Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa




THÁNH VỊNH CN XXXIII TN B ( Tv15, 5.8-11) 18 11 2018
Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa

5 Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
9 Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
1 Lạy Chúa Trời, bên Ngài, con đang ẩn náu.
11 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

Trong các câu chúng ta đọc hôm nay, mọi sự có vẻ giản dị!
Lạy Chúa, Chúa của con, con chỉ yêu Chúa mà thôi…đại loại như một cuộc «hôn nhân» hoàn hảo.
Có một bài thánh ca bất hủ,  của những người nô lệ thế kỷ XVII múc từ thánh vịnh này: «…Lạy Chúa, Chúa là gia nghiệp đời con…». 
Nhưng thật ra bài thánh vịnh này thể hiện một cuộc đấu tranh nội tâm khủng khiếp, cuộc đấu tranh của sự tín trung với đức tin thật: Đúng như điều chúng ta đọc trong Bài Đọc 1, khi Đa-ni-en cổ vũ các anh em mình đừng chối bỏ đức tin, mặc cho sự bách hại của vua Hy-lạp An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê.
Sự đấu tranh cho lòng tín trung là số phận của Ít-ra-en ngay từ thuở ban đầu.
Sở dĩ Mô-sê trong thời Xuất Hành đã tỏ ra rất cứng rắn về phương diện này, vì tai hoạ thờ phượng bụt thần luôn là một thực tế.
Chúng ta còn nhớ thời kỳ con bê bằng vàng (Xh 32). Viện cớ ông Mô-sê ở trên núi lâu quá chưa xuống, dân chúng vội quên tất cả những lời hứa tốt đẹp. « Mọi điều ĐỨC CHÚA phán bảo, chúng tôi xin làm theo » (Xh 19, 8). Và Thiên Chúa đã bảo đừng tạc những pho tượng, rất nguy hiểm…vâng, thế nhưng, không thoải mái cho lắm, khó thấy, xa xôi, không ai biết gì về Thiên Chúa này, không biết phải đối xử ra sao?
Thế rồi, vì Mô-sê lâu quá không xuống núi, mọi người vội vã thuyết phục A-ha-ron và đúc một con bê bằng vàng.
Sau đó khi vào xứ Ca-na-an, hiểm họa thờ phượng bụt thần trở nên thường xuyên: Khi mọi sự không như mong muốn, khi có chiến tranh, có nạn đói, bệnh dịch…có hai sự an toàn thay vì là một, có phải hơn không?
Khi không còn biết cậy trông vào ai, người ta có khuynh hướng cầu xin bất cứ thần nào có thể. Chúng ta biết, chuyện ấy đã xảy ra : Thì đây hồi thế kỷ thứ VIII, vua A-khát đã hiến tế chính đứa con trai mình cho các thần, vì ông sợ chiến tranh và lòng tin vào Chúa Ít-ra-en chưa đủ, năm mươi năm sau, người cháu nội của ông là Mơ-na-se cũng làm như thế.
Các ngôn sứ đã không ngừng đấu tranh chống lại thờ phượng bụt thần trong suốt lịch sử Thánh Kinh.
Tại sao thế?
Vì Chúa muốn chúng ta tự do, và bụt thần là một thứ nô lệ tệ hại nhất: Vì nó dẫn tới những hành động ghê gớm, không chút gì thuộc về con người.
Bài thánh vịnh này thể hiện, dưới hình thức một lời cầu nguyện, lời rao giảng của các ngôn sứ.
Thánh vịnh vang lên như một lời đáp, «xin vâng» sau lời kêu gọi của ngôn sứ, và cũng là một lời nguyện van xin Chúa giúp giữ vững lòng tin.
Đây là vài câu trong thánh vịnh không có trong bài đọc của chúng ta hôm nay: 
« Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. 2 Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?  3 Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ, 4 vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.(Không!) 
Máu tế thần, con quyết chẳng dâng, tên của thần, môi con không tụng niệm! » (1-4)
Câu « 3 Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ, 4 vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo » nói lên nguy cơ ấy có thật.
Ngay cả những người tốt nhất cũng sa ngã « …Máu tế thần, con quyết chẳng dâng, tên của thần, môi con không tụng niệm! »: 
 Đây là nói về các cuộc tế lễ toàn thiêu người, nhưng không chỉ có thế. Ở Ít-ra-en mọi cử chỉ mọi việc hành đạo phải độc quyền hướng về Chúa của Giao Ước và chỉ có Ngài mà thôi, vì Ngài là Chúa hằng sống duy nhất, đấng duy nhất có thể dẫn dắt dân Ngài trên con đường tự do đầy chông gai.
Điều kiện ấy, Chúa đòi hỏi dân Ngài là phần đối tác bên phía Thiên Chúa trong Giao Ước, chọn Ít-ra-en:
Chúa đã chọn nhưng không, dân này và mặc khải cho họ, Thiên Chúa là Chúa thật duy nhất của họ.
Nếu Ít-ra-en đáp lại một cách xứng đáng ơn gọi ấy, tức là độc quyền gắn bó với Chúa của họ, chỉ khi ấy họ mới chu toàn sứ vụ làm chứng tá cho Thiên Chúa duy nhất, trước tất cả các dân tộc khác.
Nhưng nếu họ buông tha đi theo thờ phượng những bụt thần, thế thì họ có thể làm chứng tá cho ai được?  
Vì lẽ đó các ngôn sứ luôn có điều đòi hỏi quan trọng ấy.
Trong bài thánh vịnh này, Ít-ra-en làm rạng rỡ qui chế rất đặc biệt được Chúa chọn, bằng cách sánh mình như một người Lê-vi 
« 5 Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.6 Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn » (c 5, 6)
Các từ ngữ sản nghiệp - phúc lộc - phần tuyệt hảo - gia nghiệp, tất cả ám chỉ địa vị đặc biệt của các Lê-vi. Lúc phân chia xứ Pa-lét-tin cho mười hai chi tộc hậu duệ của Gia-cóp, các thành viên của chi tộc Lê-vi không có phần: Gia tài của họ là Nhà của Chúa, phụng vụ Thiên Chúa…
Chúng ta còn nhớ tất cả đời họ dành cho việc phụng vụ. Họ không có đất đai: huê lợi của họ gồm có những tô thu cho Đền Thờ, một phần các mùa gặt và thịt cúng cho Đền.
Lòng tín trung (của người Lê-vi và cũng như dân Ít-ra-en), sự dâng hiến cho việc của Chúa, là những niềm vui lớn : « 1 Lạy Chúa Trời, bên Ngài, con đang ẩn náu. 11Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! ». 
Cụm chữ «hoan lạc chẳng hề vơi» ở đây không có ngụ ý nói sự phục sinh từng người.
Chúng ta không quên rằng trong các thánh vịnh, đối tượng không phải một cá nhân nào mà là cả dân tộc Ít-ra-en. Dân tộc an tâm sống đời đời vì được Chúa hằng sống tuyển chọn.
Chúng ta cũng biết rằng, thời các thánh vịnh được sáng tác không ai tưởng tượng có thể có một sự phục sinh cá nhân nào.
Cũng như thế, câu : « 10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ » không phải là lời tuyên xưng cho sự phục sinh cá nhân mà là lời biện hộ cho sự sống còn, cả toàn dân.
Dĩ nhiên, về sau - khi đến tiên tri Đa-ni-en (Bài đọc 1) mọi người bắt đầu tin kẻ chết sống lại, người ta hiểu câu này như thế.
Về sau nữa, người ta áp dụng câu này cho Chúa Giê-su Kitô.
Kể từ nay chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng nói lên :
«9 Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan…10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,…ở bên Ngài, (con chờ một sự) hoan lạc chẳng hề vơi!
***
Tác giả:  Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Khổng Nhuận


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.