LÒNG TÔN TRỌNG TRONG QUAN HỆ VỢ CHỒNG




LÒNG TÔN TRỌNG TRONG QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Trần Mỹ Duyệt


Tôn trọng nhau là bí quyết hạnh phúc hôn nhân”.
Nhưng làm sao để có được lòng tôn trọng ấy trong quan hệ vợ chồng?...

Dĩ nhiên, trong đời sống chung thì những va chạm, bất đồng ý kiến, bất hòa là chuyện thường tình. Có lẽ càng sống với nhau lâu, những hành động tiêu cực kia lại càng nhiều.
Và đó cũng là lý do tại sao nhiều đôi  vợ chồng khi về già lại hay cãi vã, giận hờn nhau.

Vợ chồng bất đồng ý kiến, cãi vã, tranh chấp, và khó chịu với nhau. Những chuyện này chúng đến từ nhiều nguyên nhân, và không nhất thiết là do lỗi của một người.
Có nhiều chuyện mà người chồng thích người vợ không thích, hoặc ngược lại, người vợ thích mà người chồng không thích.
Và cũng có nhiều chuyện mà người chồng cho là đúng, nhưng người vợ lại cho là sai.
Những quan điểm bất đồng ấy, theo tâm lý học, là do tâm lý nam nữ khác biệt.
Ngoài ra, chúng còn đến từ những ảnh hưởng của di truyền, phái tính, giáo dục, tôn giáo, tuổi tác, và văn hóa.
Như vậy, chỉ còn cách là thay vì trốn tránh nó, thay vì phủ nhận nó, vợ chồng phải học cách “tạo lập lòng tôn trọng” trong thực tế hàng ngày.

Respect tiếng Anh có nghĩa là sự tôn kính, kính trọng, tôn trọng. Và để thiết lập hoặc để sống với sự tôn trọng nhau, sau đây là những ứng dụng dựa vào phân tích theo chiết tự của từng mẫu tự từ chữ R.E.S.P.E.C.T.
  
R (Respect): Muốn được sự tôn trọng của ai, trước hết ta phải có lòng tôn trọng người đó. Vợ chồng cần phải thực hiện việc này cho nhau, với nhau, và vì nhau.
Tôn trọng lẫn nhau là điều không thể thiếu nếu muốn xây dựng tôn trọng hỗ tương trong tương quan vợ chồng.
Đi vào thực hành, điều này đòi hỏi vợ chồng cần phải tránh đối xử với nhau như “người dưng nước lã”, hoặc với thái độ “nhàm chán”.
Tránh dùng những lời lẽ khiếm nhã, thô lỗ, cộc cằn khi xưng hô với nhau.
Tránh những thái độ lạnh nhạt, thờ ơ, bất cần để đối xử với nhau, nhất là tránh phân tích, phê bình, chỉ trích nhau.

Suy nghĩ, nói năng và hành động như trên, thực ra đó mới chỉ là một hình thức đối xử công bằng chứ chưa nói đến là vợ chồng phải tương kính nhau vì yêu nhau.
Xây dựng, tạo lập sự tôn trọng ở tầm cao hơn chính là thực hành nguyên tắc bác ái của Thánh Phanxicô Assisi: “Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết”, “tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”. Và đây là ứng dụng đẹp nhất giúp vợ chồng thăng hoa lòng tôn trọng lẫn nhau.    

E (Establishing Respect): Để xây dựng lòng tôn trọng nhau trong đời sống và tương quan hôn nhân, vợ chồng phải quan tâm đến giá trị những cảm nghĩ và ý kiến của nhau.
Phần đông vợ chồng mất dần lòng tôn trọng, chính là vì thiếu quan tâm đến những ý nghĩ và ý kiến của nhau.
Ai cũng cho rằng mình đúng, mình hay.
Ngay cả khi vì chủ ý tốt xây dựng nhau, vợ chồng cũng không được dùng thái độ hoặc cung cách kẻ cả, chèn ép và bắt buộc người phối ngẫu phải theo ý kiến hoặc suy nghĩ của mình.

Đi vào thực hành, để xây dựng lòng tôn trọng, vợ chồng phải xây dựng nó bằng những hành động rất nhỏ mọn và đều đặn.
Nhân đức không xảy ra một sớm một chiều và bằng những hành động phi thường. Nhân đức chính là một tập quán tốt được lập đi, lập lại một cách đều đặn và bền bỉ.
Thí dụ, người vợ tập mỉm cười mỗi khi bị chồng cư xử thiếu tế nhị, hoặc người chồng tập giữ nhẫn nại khi bị vợ cằn nhằn vô cớ...
Kiên trì và tập luyện, sẽ dẫn đến đức tính hiền dịu và thái độ tự chủ cho cả người chồng lẫn người vợ.
Kết quả là: những đức tính ấy sẽ làm gia tăng sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.   

S (Supporting respect): Để nhân đức xã hội và tập quán tốt trong tâm lý đối xử thường ngày giữa vợ chồng duy trì bền bỉ, thì vợ chồng cũng phải nâng đỡ, khuyến khích lẫn nhau.
Sự tôn trọng nhau phải được thể hiện qua cung cách sống thường ngày. Thái độ tiêu cực, lời nói chê bai, hoặc hành động lơ là giữa vợ chồng sẽ làm cho người phối ngẫu cảm thấy mất tinh thần, mất nghị lực, và dễ đưa đến chán nản.
Thử hỏi, nếu chồng bạn bày tỏ một cử chỉ yêu thương, hoặc nói những lời khen tặng bạn nhưng anh ta nhận lại bằng một nụ cười khinh bỉ, và một câu nói: “chỉ là giả dối”, thì làm sao người ấy có thể tiếp tục và có tinh thần để làm những gì tốt nhất cho bạn?
Chính bạn đang làm cho chồng bạn xuống tinh thần, và không muốn tiếp tục duy trì lòng tôn trọng đối với bạn. 

P (Principles for re-establishing respect): Nhưng cũng có những lúc sóng gió thật sự nổi lên, cuốn trôi đi chút lòng tôn trọng có sẵn trong ta thì sao?
Điều này xảy ra khi một trong hai hoặc cả hai đã vi phạm những nguyên tắc căn bản của tôn trọng là dùng lời nói, cử chỉ, hoặc hành động xúc phạm nhau, làm tổn thương nhau.

Trong trường hợp này, vợ chồng phải làm gì?

Bạn làm gì khi vô tình đụng phải một người trong lúc đi đường?
Câu đầu tiên sẽ là: “Xin lỗi!” Nhưng không phải chỉ là xin lỗi, mà nhiều khi còn phải sửa lỗi, dĩ nhiên, là phải chừa lỗi.
Thí dụ, bạn xin lỗi người bạn vừa đụng phải nhưng lại làm rơi chiếc điện thoại người đó đang cằm trên tay và chiếc điện thoại bị vỡ, chắc chắn là bạn phải đền chiếc điện thoại khác. Kinh nghiệm này cho bạn một quyết tâm là lần sau đi đứng phải cẩn thận.

Nguyên tắc tái lập lòng tôn trọng cũng tương tự như vậy.
Khi làm lỗi, làm buồn lòng người phối ngẫu, việc đầu tiên là bạn phải xin lỗi: “Anh xin lỗi em, hoặc em xin lỗi anh”.
Nếu lỗi đó làm người ấy buồn lòng thì phải tạo cơ hội chuộc lại lỗi lầm.
Thí dụ, tặng hoa, gửi message hay lời nhắn tỏ dấu yêu thương…
Nhất là bằng mọi cách, làm hòa với người phối ngẫu. Nhưng nên nhớ việc nhận lỗi, xin lỗi, và sửa lỗi là việc làm của bạn.
Đừng bao giờ thay vì xin lỗi bạn lại đổ lỗi, thay vì nhận lỗi bạn lại chối lỗi, và thay vì sửa lỗi bạn lại sửa người mà mình đã làm buồn lòng.    

C (Creating a respectful relationship): Một trong những điều mà các nhà tâm lý làm khi giúp các cặp vợ chồng đang gặp những khó khăn trong hôn nhân, là giúp họ thiết lập, kiến tạo mối giây liên kết trong tôn trọng. Một mối giây cảm thông giữa vợ chồng. Trong khi hai vợ chồng còn đang nghi ngờ nhau, còn chỉ trích nhau, còn đổ lỗi cho nhau mà nói đến yêu thương, sự hy sinh, tha thứ, hay trung thành là những cái mà trước mặt họ chỉ là vô nghĩa, là lý thuyết và thiếu thực tế. 

Nhưng trước hết hãy giúp họ thiết lập lại mối giây tôn trọng nhau, bằng cách nhà tâm lý sẽ giúp họ từ từ khám phá ra những điểm tích cực của nhau, những cái mà ngay từ đầu khi mới quen nhau đã khiến họ bị thu hút, hấp dẫn. Và khi những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ của nhau và về nhau lấp kín kỷ niệm, tự nhiên họ biết họ cần phải làm gì…

T (Tolerating and appreciating differences): Sau cùng là điều mà các cặp vợ chồng muốn thăng hoa, muốn làm cho đẹp mối giây liên kết, dạt dào sự tôn trọng nhau đó chính là phải biết chấp nhận và hóa giải những khác biệt.
Đây là việc làm khó nhất trong tương quan tình yêu, và cũng là bước đầu của sự chia lìa, ngăn cách dẫn đến sụp đổ của nhiều cuộc tình.

Mới quen nhau, mới yêu nhau thì mọi điều đều tốt đẹp. Người này nhìn người kia bằng cặp mắt màu hồng, và bằng một con tim thổn thức. Nhưng rồi qua những tháng năm chung sống, những khác biệt của nhau sẽ từ từ xuất hiện để thách thức mức chịu đựng và lòng chung thủy của tình yêu.  

Nên nhớ rằng bạn sẽ không bao giờ tìm được một người đàn ông tuyệt vời (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), hay một người phụ nữ nhân đức vẹn toàn (công, dung, ngôn, hạnh).
Nhưng bạn có thể giúp một người đạt được những điều đó nhờ vào sự tế nhị, hòa giải, và chấp nhận những khác biệt nhau của bạn.

(Để tham khảo những bài vở, tài liệu giá trị về tình yêu, hôn nhân, gia đình, giáo dục, tâm lý, xã hội, và tâm linh. Xin mời vào thăm trang nhà www.giadinhnazareth.org).


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.