Đức Maria như Hòm Bia Giao Ước Mới




Đức Maria như Hòm Bia Giao Ước Mới

Đức Ma-ri-a viếng thăm bà Ê-li-sa-bét (Lc1, 39-55)
Nhân dịp ngày thứ năm 18 tháng 10 vừa qua chúng ta mừng Thánh Sử Luca, xin giới thiệu với  anh chị em đoạn Thánh Kinh chúng ta thường gọi :

Đức Ma-ri-a viếng thăm bà Ê-li-sa-bét (Lc1, 39-55) .
Bài này không chỉ là một câu chuyện gia đình yêu thương nhau, nhưng thật ra còn là một sáng tác có tính cách thần học cực kỳ thâm sâu của Thánh Luca.
Xin mời đọc bài suy niệm của bà Marie Noelle Thabut, một giáo dân chuyên về Thánh Kinh từng nói trên đài phát Thanh Notre Dame, Paris.
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.
40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.
41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,
42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.
43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?
44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.
45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Bài ca "Ngợi Khen" (Magnificat)
46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."

Chúng ta đang trong đoạn khởi đầu Tin Mừng theo thánh Lu-ca.
Có hai tường thuật về Truyền Tin : Da-ca-ri-a về Gio-an-Tẩy-Giả, kế tiếp là Đức Ma-ri-a về Chúa Giê-su.
Và đoạn này chúng ta thường gọi là « Đức Ma-ri-a Viếng Thăm bà Ê-li-sa-bét ». Tất cả có vẻ như những truyện gia đình, nhưng xin đừng nhầm lẫn.
Thực ra thánh Lu-ca viết một sáng tác có tính cách cực kỳ thần học.
Chắc chắn phải nhấn mạnh tất cả ý nghĩa của câu trung tâm của bài :
«… bà( Ê-li-sa-bét)  được đầy tràn Thánh Thần 42 liền kêu lớn tiếng ».
Điều này muốn nói rằng chính Chúa Thánh Thần nói để loan báo ngay từ đầu Phúc Âm, sau này sẽ là Tin Mừng cho cả sách thánh Lu-ca : Đấng vừa được thụ thai là «Thiên Chúa ».
Những lời nào Chúa Thánh Thần linh hứng cho bà Ê-li-sa-bét ? 
"Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc ».
Có nghĩa là Chúa hành động nơi em và bởi em và Thiên Chúa hành động nơi Con em và bởi Con em.
Chúa Thánh Thần là đấng làm cho chúng ta khám phá ra trong đời sống chúng ta - và trong đời sống mọi người - dấu ấn của công trình Thiên Chúa.
Không phải thánh Lu-ca không biết câu « Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và con lòng bà gồm phúc lạ » là một câu trích từ Cựu Ước. Chính từ sách Giu-đít (Judith) (Jdt 13,18-19).
Khi bà Judith từ trận chiến về, sau khi chém đầu tướng Hô-lô-phen (Holopherne) , bà được vua Ut-đi-gia-hu tiếp đón trong lều trại phe mình, ông nói « Bà có phúc hơn mọi người nữ và Thiên Chúa cũng được chúc phúc ».
Đức Maria được sánh với Giu-đít và khi đọc song song hai câu ấy gợi ý cho chúng ta hai điều. Câu « bà có phúc lạ hơn mọi người nữ » có hàm ý bà là người chiến thắng và bảo toàn cho nhân loại vĩnh viễn chiến thắng sự dữ.
Còn phần sau (với Giu-đít thì « Thiên Chúa cũng được chúc phúc » còn Đức Maria thì « Con lòng bà gồm phước lạ ») loan báo rằng « Con lòng bà chính là Thiên Chúa ».
Hẳn bài tường thuật này của thánh Lu-ca không chỉ có tính cách giai thoại !
Nhân dịp này chúng ta không thể không ngạc nhiên khi so sánh lời nói mạnh mẽ của bà Ê-li-sa-bét và sự im lặng của ông Da-ca-ri-a !
Bà thì đầy Chúa Thánh Thần, còn ông Da-ca-ri-a không còn nói được vì sau khi sứ thần đến, ông nghi ngờ những lời tiên báo ông Gio-an Tẩy Giả sẽ được sinh ra. 
Còn ông Gio-an Tẩy-giả cũng biểu lộ niềm vui : bà Ê-li-sa-bét nói : « con trong bụng đã nhảy lên vui sướng » vừa khi nghe tiếng của đức Maria.
Cũng phải nói rằng chính ông Gio-an Tẩy-giả cũng đầy Thánh Thần Chúa, sứ thần nói: 
« Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời….ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần » (Lc1,13…15)
Chúng ta hãy trở về với những lời của bà Ê-li-sa-bét :
« 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? » 
Cũng thế, những lời này đem chúng ta trở về một giai đoạn của Cựu Ước : lúc Hòm Bia Giao Ước được rước về Giê-ru-sa-lem (2Sm 6, 2-11), lúc vua Đa-vít ngự trị trên Giê-ru-sa-lem, nay ngài có một ngôi đền xứng đáng với vua It-ra-en, ông có ý rước Hòm Bia  Giao Ước lên thủ đô mới. Nhưng nơi ông lúc bấy giờ phân vân giữa lòng sốt sắng và sợ hãi.
Lúc đầu có một lúc sốt sắng và vui trong lòng :
«1 Vua Đa-vít lại quy tụ toàn thể tinh binh Ít-ra-en: ba mươi ngàn người.2 Từ Ba-a-lê Giu-đa, vua Đa-vít lên đường và cùng đi với toàn dân đang ở với vua, để đưa Hòm Bia Thiên Chúa từ đó lên, Hòm Bia mang danh ĐỨC CHÚA các đạo binh, Đấng ngự trên các thần hộ giá.3 Người ta đặt Hòm Bia Thiên Chúa lên một cỗ xe mới và mang đi từ nhà ông A-vi-na-đáp ở trên đồi. Các con ông A-vi-na-đáp là Út-da và Ác-giô điều khiển cỗ xe mới.4 Họ đưa xe đi từ nhà ông A-vi-na-đáp ở trên đồi, trên xe có Hòm Bia Thiên Chúa, còn ông Ác-giô đi trước Hòm Bia.5 Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en vui đùa trước nhan ĐỨC CHÚA, với mọi thứ nhạc cụ bằng gỗ trắc bá, với đàn cầm đàn sắt, trống con, chũm choẹ, thanh la » (2Sm 1-5). 
Nhưng sau đó có một sự cố nhắc Đa-vít rằng không ai đương nhiên có thể làm như thế: người nào vô phận sự đặt tay lên Hòm Bia sẽ chết ngay.
 Vì lẽ đó nỗi sợ hãi đã thắng nơi vua Đa-vít, ông nói : 
« "Hòm Bia ĐỨC CHÚA đến với tôi thế nào được? » (2Sm 6,9) 
Cuộc hành trình bắt buộc ngừng ở đấy : Đa-vít nghĩ rằng nên cẩn thận từ bỏ ý định đem Hòm Bia về, nên để lại nhà một người nọ tên Ô-vết Ê-đom và ở đó ba tháng, đem lại hạnh phúc cho nhà này.
Bấy giờ Đa-vít an tâm : «12Người ta báo tin cho vua Đa-vít rằng:"Vì Hòm Bia Thiên Chúa, ĐỨC CHÚA đã giáng phúc cho nhà ông Ô-vết Ê-đôm cùng tất cả những gì thuộc về ông."
Vua Đa-vít liền đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ô-vết Ê-đôm lên Thành vua Đa-vít, trong niềm hân hoan.13 Khi những người khiêng Hòm Bia của ĐỨC CHÚA đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo.14 Vua Đa-vít quấn ê-phốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan ĐỨC CHÚA.15 Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en rước Hòm Bia ĐỨC CHÚA lên giữa tiếng hò reo với tiếng tù và » ( 2Sm 6,12-14)
 Chúng ta có thể nghĩ rằng thánh Lu-ca sung sướng gom hết những chi tiết trong bài tường thuật cuộc Viếng Thăm, những gì liên quan đến sự kiện rước Hòm Bia lên Giê-ru-sa-lem :
hai hành trình của Hòm Bia và của đấng Ma-ri-a được diễn ra cùng một vùng địa lý : những ngọn đồi xứ Giu-đa;
Hòm bia vào nhà của Ô-vết Ê-đom và đem lại cho nhà này hạnh phúc (2Sm 6,12), bà Ma-ri-a vào nhà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét và cũng mang lại hạnh phúc cho nhà này ;
Hòm bia được đặt lại ba tháng, Đức Ma-ri-a cũng ở lại nhà bà Ê-li-sa-bét ba tháng
và sau cùng Đa-vít nhảy múa trước Hòm Bia (Sách thánh nói « vua Đa-vít nhảy múa quay cuồng trước nhan ĐỨC CHÚA » (2Sm6, 16)còn thánh Lu-ca ghi nhận rằng ông Gio-an Tẩy-giả : « trong bụng nhảy lên » khi vừa gặp đức Ma-ri-a đang cưu mang Hài Nhi.
Tất cả những điều này dĩ nhiên không có gì ngẫu nhiên, thánh Lu-ca cho chúng ta ngắm nhìn Đức Maria như Hòm Bia Giao Ước Mới.
Chính thực ra Hòm Bia là nơi Chúa ngự. Đức Maria mang trong thân mình ngài một cách huyền bí sự hiện diện của Thiên Chúa.
Qua Đức Mẹ Chúa ngự trong trần thế :
« 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta » (Ga1,14). 
Tất cả nhờ đức tin của Mẹ Maria.
Bà Ê-li-sa-bét nói «45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.» (Lc1,45)
Và để đáp lại những lời của bà Ê-li-sa-bét, Đức Maria cất tiếng hát bài Magnificat.
Điều thật đáng ngạc nhiên về bài Magnificat này :
tất cả các Thánh Kinh của chúng ta, tới trang này của Tin Mừng theo thánh Lu-ca, bên lề được chép thật nhiều ghi chú trong các sách khác của Thánh Kinh và chúng ta nhận ra nhiều đoạn ngắn Thánh Vịnh trong gần như mỗi câu của bài Magnificat.
Điều này chứng minh rằng đấng Maria không tự ý thốt lên lời cầu nguyện của ngài. Để tỏ bày sự kinh ngạc thán phục của ngài trước kỳ công của Chúa, ngài chỉ đơn sơ lấy lại những câu của tổ tiên, cha ông trong niềm tin.
Nơi đây chúng ta rút ra hai bài học.
Trước tiên bài học khiêm nhường. Mặc dù đứng trước một trường hợp thật đặc biệt, Mẹ Maria một cách tự phát đơn sơ đọc lại những lời cầu nguyện của dân ngài.
Kế đến là bài học về tinh thần cộng đồng (ngày nay ta gọi là nhận thức trực giác về Giáo Hội), vì không có một lời trích Thánh Kinh nào trong bài Magnificat có tính cách cá nhân. Luôn luôn có ý nghĩa cho cả toàn thể dân chúng.
Đó là một đặc thái của lời cầu nguyện dân Do Thái : người tín hữu không bao giờ quên mình thuộc về dân tộc và mọi sứ vụ riêng mình không những không làm xa cộng đồng mà còn luôn để phục vụ cộng đồng dân tộc mình.
Vì thế chúng ta nhìn ra trong lời cầu nguyện của đấng Maria  những đề tài quan trọng của Thánh Kinh. Tôi xin kể ít nữa bốn đề tài :
1/ Niềm vui đức tin
2/ Chúa tín trung với Giao Ước và những lời hứa của Ngài.
3/- Cảm tạ những kỳ công của Thiên Chúa.
4/-Thiên Chúa chuộng kẻ nghèo hèn và người thấp kém.
Trước hết niềm vui đức tin.
« Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi ». 
Câu này gần như lời ứng đối với sách I-sa-i-a :   «10 Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!» (Is 61,10).
Đây là một bài từ I-sa-i-a thứ ba, tức là khoảng 500 trước CN.Và 100 năm về trước,  khoảng 600 năm trước CN, sách Kha-ba-cúc cũng đã nói «18 Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì ĐỨC CHÚA, hỷ hoan vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.» (Kc3,18).
Trong các thánh vịnh cũng thế, có biết bao từ ngữ biểu hiện niềm vui sâu sắc của tín hữu. Ví dụ như: « 7 CHÚA là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi, lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người. Tôi đã được Người thương trợ giúp, nên lòng tôi vui mừng hoan hỷ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người. 8 CHÚA là sức mạnh cho dân Chúa, là thành trì cứu độ »(Tv 28,7-8); 
«4 Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA, ta đồng thanh tán tụng danh Người… 11 Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ, còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì » ( Tv34,4.11) ; 
«  9 Hồn tôi sẽ vui mừng trong CHÚA, hoan hỷ vì Người cứu thoát tôi.» (Tv 35,9) ;
và bà Lê-a vợ ông Gia-cóp cũng đã nói lúc sinh đứa con thứ hai :"Tôi hạnh phúc biết bao! Vì các cô gái sẽ khen ngợi tôi có phúc » ( St 30,13) .
Điều thứ hai : Chúa tín trung với Giao Ước và những lời hứa của Ngài. 
«8 Nhưng phần ngươi, hỡi Ít-ra-en, tôi tớ của Ta, hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ta, 9 Ta đã nắm chặt lấy ngươi, đưa ngươi về từ tận cùng cõi đất, kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm. Ta đã nói với ngươi: "Ngươi là tôi tớ Ta, Ta đã chọn ngươi, Ta đâu ruồng bỏ » (Is 41, 8-9) ;
«20 Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp, và tình thương cho Áp-ra-ham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước »  (Mk 7,20) ; 
« 6 Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời » (Tv 25,6) ;  
«8 Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở, vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn. Con lâm cảnh ngặt nghèo, Ngài lo lắng chăm nom » (Tv 31,8) ; 
«3 Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta » (Tv98,3) ; 
«5 Bởi vì CHÚA nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín » (Tv100,5); 
«17 Nhưng ân tình CHÚA thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn. Người xử công minh cả với đời con cháu,18 cả những ai giữ giao ước của Người và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban.(Tv103,17-18).
Điều thứ ba, Cảm tạ những kỳ công của Thiên Chúa.
Chúng ta biết rằng đó là một trong những đề tài thiết yếu trong Thánh Kinh. Và khi chúng ta nói công trình của Thiên Chúa, ấy là đề tài duy nhất của Thánh Kinh, đó là công trình vĩ đại của Thiên Chúa, công trình giải thoát nhân loại.
Ví dụ như trong Thánh Vịnh (67,4-5) : « 4 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài! 5 Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ » ;
Hay là :« 21 chính Người là Đấng anh (em) phải ca tụng; chính Người là Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã làm cho anh (em) những điều lớn lao và khủng khiếp mà chính mắt anh (em) đã thấy đó » ( Đnl10,21) ;
«19 Lạy Thiên Chúa, đức chính trực của Ngài cao vời vợi, Ngài đã làm những việc lớn lao, lạy Thiên Chúa, nào ai sánh tày!»(Tv 71,19) ; 
«9 Người đem lại cho dân ơn giải thoát, thiết lập giao ước đến muôn đời. Tôn danh Người thánh thiêng khả uý » (Tv111,9) .
Điều thứ tư : Thiên Chúa chuộng kẻ nghèo hèn và người thấp kém. Chúa luôn luôn bênh vực và tái lập phẩm giá cho họ :
«1 Bà An-na cầu nguyện và nói: "Tâm hồn con hoan hỷ vì ĐỨC CHÚA, nhờ ĐỨC CHÚA, con ngẩng đầu hiên ngang. Con mở miệng nhạo báng quân thù: Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ…
7 ĐỨC CHÚA bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.
8 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng. Vì nền móng địa cầu là của ĐỨC CHÚA, Người đặt cả hoàn vũ lên trên » ( 1Sm2, 1.7.8.)
Hay trong (Tv113,7) : «7 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro » ;
(Is 57,15) « 15 Bởi vì Đấng muôn trùng cao cả, Đấng ngự chốn vĩnh hằng, Đấng mang danh chí thánh, Người phán như sau: Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát »
( Hc 10,14) «14 Đức Chúa hạ bệ những ai quyền thế, và đặt kẻ hiền lành ngồi lên tha »...
Làm sao không cùng với Đức Maria và toàn dân ngài nói lên : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi ».
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions
              Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân                                                                                                                       

***

 Tramtubensuoi từ hỏi lòng mình
Đức Maria như Hòm Bia Giao Ước Mới.
Thế thì sau khi rước lễ hàng nghìn lần,
Tôi có phải là hòm bia Thiên Chúa không?


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.