Thực sự Chúa không ở xa mỗi người chúng ta




Thực sự Chúa không ở xa mỗi người chúng ta
2, 15-20

 Khi thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau :
“Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”

Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe những người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa , vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

– KHAO KHÁT “Hồi đó, dân đang trông ngóng” (Lc 3,15)
Mơ ước gặp Ngài, tìm kiếm để gặp Ngài,
con người chỉ mãn nguyện khi gặp được Thiên Chúa.
Đã sinh ra làm người, ai ai cũng có ước vọng triền miên ấy, nhưng đặc biệt là nơi người Is-ra-en . Dầu chỉ là những người chăn chiên đơn sơ mộc mạc, tháng ngày làm bạn với đoàn vật cỏ cây, niềm an ủi của họ là đến ngày Sabbat được nghe đọc luật pháp và lời tiên tri tại hội đường, và hằng năm đến kỳ lễ lớn được thấy các tư tế dâng lễ vật cầu ơn tha tội cho dân, và được nghe giảng giải ý nghĩa đó nơi Đền thờ : họ đều chia sẻ niềm hi vọng Chúa Cứu Thế sẽ đến giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại bang cai trị và đem lại cảnh thái bình hoan lạc.
Nhưng với năm tháng đợi chờ, thức lâu chầu mỏi, tin ấy vẫn xa vời làm lòng họ sao lãng đến dường như quên mất.
Thế là giờ đã điểm, việc phải đến đã đến, lời tiên tri đã được ứng nghiệm, vì sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa liền hứa cho con người một Chúa Cứu Thế từ dòng dõi người nữ sinh ra (St 3,15). Khi kêu gọi tổ phụ Abraham, Ngài đã hứa Chúa Cứu Thế ra đời từ dân Is-ra-en (St 26,4). Khi lãnh tụ Môsê qua đời đã dặn dò dân là một vị ngôn sứ sẽ ra đời (Đnl 18, 15-18). Tiên tri Isaia tiên báo Chúa Cứu Thế sẽ được một trinh nữ sinh ra (7,14) Và tiên tri Mikêa tiên báo Ngài sẽ được sinh ra tại Bêlem.
Dân Is-ra-en nghiền ngẫm các lời tiên tri trên đây, nên khi những người chăn chiên nghe thiên sứ báo tin mừng về Chúa Cứu Thế giáng sinh, thì niềm hi vọng bấy lâu tiềm tàng trong lòng họ vùng dậy và hồi sinh. Họ vui mừng náo nức, không thể chờ đợi thêm mà muốn đi tìm Ngài ngay.
Như thường lệ, các mục đồng đang canh giữ bầy súc vật trên cánh đồng Bêlem, thình lình một thiên sứ sáng chói hiện ra : “Và kìa sứ thần Chúa đứng bê họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ, này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.

– LÊN ĐƯỜNG “Họ liền hối hả ra đi” (Lc 2,16)
Thiên sứ cho dấu để đi tìm Chúa: “anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Tiếp theo lời giới thiệu về Chúa Cứu Thế giáng sinh trong cảnh nghèo hèn đơn bạc đó, liền có muôn vàn thiên binh cùng với vị thiên sứ chúc tụng Ngài bằng bài ca bất hủ: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Chúa Cứu Thế tự hạ, giáng sinh nơi thấp hèn để tôn vinh Thiên Chúa oai nghiêm, vinh hiển tuyệt vời trên trời, và đem bình an ân điển cho loài người dưới đất.
Nghe, thấy, biết như vậy là quá đủ, những người chăn chiên vội vàng lên đường đi tìm gặp Chúa. Dầu giữa đêm khuya, nhà nhà đều cửa đóng then cài, người người đều mơ màng giấc điệp, nhưng những người chăn chiên vẫn vội vã tìm đến hang đá, nhìn vào máng cỏ để tìm kiếm Chúa Cứu Thế .

 GẶP GỠ “họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”
Gặp được Chúa Hài Nhi họ vui mừng hết sức, họ tranh nhau thuật lại cho mọi người điều thiên sứ báo tin và dấu hiệu Con Trẻ nằm trong máng cỏ. Ai nghe cũng phải ngạc nhiên vì không ngờ một việc kỳ diệu xảy ra quá đột ngột như vậy. Chỉ có Maria biết rõ hơn ai hết, vì thiên sứ đã báo tin cho nàng rằng sẽ thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần nên Con Trẻ sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa .
Quì bên máng cỏ, những người chăn chiên cúi đầu chiêm bái Chúa Cứu Thế vừa giáng sinh. Mắt họ như vẫn thấy thiên sứ với hào quang rực rỡ, tai họ như còn nghe rõ“Đừng sợ, tôi đến báo cho các anh một tin mừng”, rồi thánh thót trên không trung “Sáng danh Thiên Chúa trên trời…”.
Giờ đây, Con Trẻ này chớ không ai khác là Chúa Cứu Thế . Tự trong đáy lòng họ, dường như vang lên lời nguyện cầu :
Lạy Chúa Cứu Thế, Ngài đã từ nơi cao sang, vinh hiển vô cùng, tự hạ xuống nơi thấp hèn cùng cực, thậm chí yên vui ngự vào máng cỏ, chỉ vì yêu thương nhân loại.
Giờ đây, xin Chúa ngự vào lòng con như đã ngự vào máng cỏ. Chúa ơi, đời con như máng cỏ, không có gì, không ra gì, giống như vườn khô, giống như đất trống, hoàn toàn vô dụng.
Nhưng khi được Chúa ngự vào, đời con sẽ như vườn địa đàng, như thiên đàng thu hẹp nơi trần gian…”

 LOAN BÁO “vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe”
Tâm hồn lâng lâng như có thể bay bổng, mặt mày sáng rỡ như vớ được của kho báu, những người chăn chiên trở về trong niềm vui ngập lòng. Nếu có ai hỏi : “Có gì mà các anh vui mừng thế ? Họ đáp : không vui sao được, vì chúng tôi đã gặp Chúa Cứu Thế. Có thể nói, những người chăn chiên là người truyền giảng Tin Mừng đầu tiên. Họ cũng như Phêrô và Gioan khẳng định: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra”(Cv 4,20).

– Kết :
Nhà truyền giáo Phaolô đến thành Athen, nơi đây ông thấy một đền thờ rất lớn với bảng hiệu “Thần Vô Danh”. Ông lấy ngay đề tựa đó như nói lên lòng khao khát của con người đi tìm kiếm vị Thần Chân Thật mà họ không biết đến, sau cùng ông giới thiệu Chúa Giêsu là Thần Vô Danh mà họ âm thầm thờ kính. Thiên Chúa đã tạo dựng loài người có khả năng khao khát tìm kiếm Ngài, và họ dò dẫm tìm kiếm Ngài trong bóng tối. Điểm dị biệt giữa một người tìm kiếm Chân Lý và một người kiếm tìm trần gian là ở chỗ cả hai đều có thể nói rằng “lòng tôi ước mơ thèm khát”, nhưng người tìm khát Chân Lý thêm vào “Thiên Chúa hằng sống”.
Chúa tạo điều kiện cho con người tìm kiếm Ngài, cố gắng vươn lên để tìm gặp Ngài. 
“Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa ; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người,
tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta (Cv 17,27).
Và Ngài hứa cho người thành tâm : 
“Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng tìm kiếm Ta,
Ta sẽ cho các ngươi được gặp…” (Gr 29,13).
Lòng khao khát ấy luôn luôn thúc đẩy con người đi tìm kiếm, nhất là trong nỗi khổ đau. Trong cơn tuyệt vọng Gióp than : 
“Ai sẽ cho tôi biết tôi phải tới đâu để tìm Người,
làm sao đến được nơi Người ngự ? (Gióp 23,3).
Khi Đavít và mấy cận thần chạy trốn trong cuộc phản loạn của Apsalon, đã trông thấy tại bờ phía đông sông Giođan một con nai đáng thương đang mệt mỏi, há miệng đi tìm chút nước đọng trên bãi bùn khô để làm mát cái lưỡi đang thè dài ra. Hình ảnh đó như tương đồng với thân phận của chính mình khiến tác giả đã thốt lên những vần thơ tuyệt diệu :
          Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong,
          Hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa !
          Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
          Là Chúa Trời hằng sống.
          Bao giờ con được đến, vào bệ kiến Tôn Nhan ?(41,1-2)
Bạn đã thấy và nghe, nhưng rồi bạn đã loan báo Tin Mừng này cho những ai ?
ÔTC

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.