Chứng tá “luôn luôn phá vỡ một thói quen,”



Chứng tá “luôn luôn phá vỡ một thói quen,”

GH Francis

Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại tội “rù rì”, là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và nhắc nhở chúng ta rằng luận lý của Tin Mừng trái ngược với luận lý của thế gian.

Làm chứng, phàn nàn, đặt câu hỏi là ba từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 8 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 15: 1-19), bắt đầu bằng chứng tá của chính Chúa Giêsu: Ngài đã ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi đến với Ngài và lắng nghe Ngài.

                               Chứng tá “luôn luôn phá vỡ một thói quen

Từ đầu tiên, là “chứng tá” của Chúa Giêsu, mà theo Đức Thánh Cha “là một điều mới lạ vào thời điểm đó, bởi vì đi với những người tội lỗi làm cho ta ra ô uế, như chạm vào một người phong cùi vậy.” Vì lý do này, các thầy thông luật tránh xa họ. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng việc làm chứng chưa bao giờ “là một điều dễ dàng, cho cả các chứng nhân – là những người thường phải trả giá cho chứng tá của mình bằng việc tử đạo – và cho cả những kẻ quyền thế.”

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Đưa ra chứng tá là phá vỡ một thói quen, một lối sống ... Phá vỡ nó, thay đổi nó để hướng đến điều tốt hơn. Vì lý do này, Giáo Hội thăng tiến nhờ các chứng tá. Điều lôi cuốn [mọi người] là chứng tá. Chứ không phải là những lời nói, tuy cũng giúp [làm thăng tiến Giáo Hội], nhưng chứng tá là điều hấp dẫn, và là điều làm cho Giáo Hội phát triển. Đó là một điều mới mẻ, nhưng không hoàn toàn mới lạ, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa đã có trong Cựu Ước. Tuy nhiên, các thầy thông luật này không bao giờ hiểu được ý nghĩa của từ ngữ: 'Ta muốn lòng nhân chứ không cần của lễ' Họ đã đọc về lòng thương xót, nhưng họ không hiểu nó là gì. Và Chúa Giêsu, qua cách hành động của Ngài, tuyên bố lòng thương xót này với chứng tá sống động của Ngài.

Đức Thánh Cha lặp lại rằng chứng tá “luôn luôn phá vỡ một thói quen,” và cũng “đặt anh chị em vào tình trạng hiểm nghèo.”

                
Rù rì   nhằm tiêu diệt một chứng nhân.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng chứng tá của Chúa Giêsu khiến mọi người thì thầm với nhau. Những người Pharisêu, các kinh sư và các thầy thông luật than phiền về Ngài. Họ rù rì với nhau rằng:
“Người này đón tiếp những quân tội lỗi, và ăn uống với chúng.”
Họ không nói, “Hãy xem, người này thật nhân lành vì ông ấy tìm cách hoán cải những người tội lỗi.”
Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng đố kỵ thường là phản ứng đầu tiên của con người trước một việc thiện.
Thái độ đó luôn bắt đầu bằng cách đưa ra những nhận xét tiêu cực “nhằm tiêu diệt một chứng nhân.
Tội rù rì bỏ nhỏ nói xấu người khác là một phần của cuộc sống hàng ngày, với các quy mô lớn nhỏ. Trong cuộc sống của chính chúng ta, chúng ta có thể thấy mình đang lẩm bẩm “bởi vì chúng ta không thích cái này, cái kia”; và thay vì đối thoại, hoặc “cố gắng giải quyết một tình huống xung đột, chúng ta bí mật rù rì bỏ nhỏ, luôn bằng một giọng thì thầm, bởi vì chúng ta không có can đảm để nói rõ ràng.”

Và điều đó xảy ra, ngay cả trong các xã hội nhỏ hơn, “trong các giáo xứ.” Đức Thánh Cha đặt thẳng câu hỏi “Trong giáo xứ anh chị em biết bao nhiêu lần người ta thì thầm với nhau?” Đức Thánh Cha chỉ ra rằng bất cứ khi nào “Tôi không thích điều này, hay tôi không thích người kia, rù rì bỏ nhỏ ngay lập tức nổ ra.”

Và trong các giáo phận? 'Xung đột giữa các giáo phận với nhau'... xung đột trong nội bộ giáo phận. Anh chị em biết rõ điều này.
Và điều đó cũng xảy ra trên trường chính trị. Và đó là một điều xấu. Khi một chính phủ không trung thực, nó tìm cách làm bôi nhọ đối thủ của mình với những tin đồn thất thiệt. Luôn luôn có những chuyện phỉ báng, vu khống, luôn tìm kiếm điều gì đó [để chỉ trích]. Và anh chị em biết rõ các chính quyền độc tài, bởi vì anh chị em đã có kinh nghiệm. Điều gì tạo nên một chính phủ độc tài? Trước hết là kiểm soát các phương tiện truyền thông bằng một sắc luật, và từ đó, nó bắt đầu thì thầm, chê bai tất cả mọi người mà nó coi là một mối nguy hiểm cho chính phủ.
Rù rì là cơm bữa của chúng ta, ở mọi cấp độ từ cá nhân đến gia đình, giáo xứ, giáo phận, và xã hội.

Câu hỏi của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha nhận xét tiếp rằng: rù rì bỏ nhỏ là tìm cách “không nhìn vào thực tại, không cho phép mọi người suy nghĩ.”
Chúa Giêsu biết điều này, nhưng Chúa là Đấng nhân lành, và “thay vì lên án họ đang lẩm bẩm với nhau”,
Ngài đặt ra một câu hỏi. “Ngài sử dụng phương pháp mà họ sử dụng.”
Họ đặt ra những câu hỏi với ý định xấu xa, để thử thách Chúa Giêsu, “làm cho Ngài sa bẫy”; chẳng hạn như họ hỏi Ngài về việc có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không, có được rẫy bỏ vợ mình không.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hỏi họ: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”
Đó là một điều bình thường những người chăn chiên vẫn làm như thế, còn họ thì tính toán “Tôi còn tới 99 con, mất một con thì đã sao?”

“Chúng ta cứ để kẻ này hư mất, và tính toán thiệt hơn thì chúng ta sẽ cứu được những người này.”
Đây là luận lý của các thầy thông luật. “Người nào trong các ông?”
Và lựa chọn của họ đối lập với lựa chọn của Chúa Giêsu.
Vì lý do đó, họ không đến với những người tội lỗi, họ không đến với những người thu thuế, họ không đi bởi vì 'tốt hơn là đừng để dơ bẩn bản thân mình với những người đó, đừng dây với hủi.
Chúng ta hãy tự cứu lấy mình.” Chúa Giêsu thật thông minh khi hỏi họ câu hỏi này: Ngài biết quỷ kế của họ, nhưng đặt họ vào một vị trí trái ngược với những gì là đúng. “Người nào trong các ông?” Và không một ai trong số họ nói, “Vâng, đúng là phải như thế”, nhưng tất cả họ đều nói, “Không, không, tôi sẽ không làm điều đó.” Và vì lý do này, họ không thể tha thứ, không thể thương xót, không thể đón nhận.

Luận lý của Tin Mừng trái ngược với tư duy của thế gian

Để kết luận, Đức Thánh Cha đã tóm tắt ba “từ” trọng điểm mà ngài đã xây dựng bài suy niệm của mình xung quanh ba từ ấy. Thứ nhất là “chứng tá”, đó là một lời mời gọi đầy thách thức nhưng làm cho Giáo Hội phát triển. Thứ hai là “rù rì”, nó giống như “người phòng ngự cho nội tâm của tôi khiến cho tôi dửng dưng trước các chứng tá”. Cuối cùng là câu hỏi của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha thêm vào một từ nữa là niềm vui, bàn tiệc, mà những thầy thông luật này không biết: “Tất cả những ai đi theo con đường của các thầy thông luật, không biết niềm vui của Tin Mừng”. Và Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ Tin Mừng của ngài với lời cầu nguyện sau: “Cầu xin Chúa cho chúng ta hiểu được luận lý này của Tin Mừng, là điều trái ngược với tư duy của thế gian.”

Đặng Tự Do



Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.