Vẫn cứ bơ vơ lạc loài giữa chợ đời




Vẫn cứ bơ vơ lạc loài giữa chợ đời
Mt 1,18-24 ; Gr 23,5-8


Ý chính muốn nói là Thai Nhi của Đức Maria là con vua Đavít nhờ ông Giuse.

“Thiên thần gọi Giuse là con Đavít làm Giuse nhớ ông là giây nối kết quan phòng giữa Chúa Giêsu và Đavít như lời tiên tri Nathan (2Sam.7,12).
Như thánh Kim Khẩu nói : “Ngay từ đầu Thiên thần đã nhắc cho Giuse về Đavít tổ phụ Chúa Giêsu để Giuse khỏi lo”. 
“Cũng một Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Con Thiên Chúa, khi nhận lãnh xác thịt con người trong lòng Trinh Nữ, đã chịu thai không như những người khác, do hạt giống của con người, mà là một cách siêu vượt trên trật tự tự nhiên, nghĩa là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, để cũng một Ngoi Thiên Chúa tự đời đời, giờ đây trở nên con người không có từ trước.” (Thánh Piô V, sách Giáo lý 1,4,1)
“Giuse là con người bình thường mà Thiên Chúa nhờ cậy để làm những việc lớn. Ông thi hành đúng những gì Thiên Chúa muốn ; nên Kinh Thánh gọi ông là người ‘công chính’.
Tiếng Do Thái, công chính là đầy tớ tốt và trung thành của Chúa, người chu toàn  thánh ý Chúa (St 7,1 ;18,23-32 ; Ed 18,5… ;Prov. 12,10) ; hay là người đáng kính trọng và có lòng bác ái với đồng loại (Tob.7,6 ; 9,6).
Như thế, người công chính là người yêu mến Chúa chứng tỏ bằng việc tuân giữ các lề luật của Chúa và hướng trọn đời mình phục vụ người khác” (Escrivá, Christ is passing by, 40)
và ý phụ là Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần để sấm ngôn về Đấng Em-ma-nu-en (Isaia 7,14) được ứng nghiệm.
“Quả thực, chúng ta tôn vinh và tôn kính Maria là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Mẹ đã sinh ra Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người.” (Thánh Piô V, Giáo lý I,4,7)
Điều thắc mắc nhiều nhất là khi Đức Maria mang thai thì ông Giuse có biết hay không biết ?
Theo luật Môsê, thì lễ dạm hỏi được tổ chức khoảng một năm trước khi cưới và có giá trị theo luật (được pháp luật công nhận). Sau khi dạm hỏi mà muốn ly dị thì phải có giấy chứng nhận. Lễ cưới là nghi thức rước dâu (ăn cưới) long trọng về nhà chồng (coi Đnl 20,7) cử hành công khai và long trọng, thì được coi như nghi thức bổ túc mà thôi. Hôn nhân giữa Đức Maria và ông Giuse, lúc thiên sứ báo mộng ở đây, chỉ mới qua giai đoạn thứ nhất.
+ Trước đây người ta nói là ông Giuse không được bà Maria cho biết nhưng ông Giuse lại rất mực mến yêu và tôn trọng bà Maria nên toan tính bỏ đi…
Chính vì là người công chính, nên Giuse định bỏ Maria cách âm thầm. Maria thinh lặng là điều thật lạ lùng. Phú thác hoàn toàn cho Thiên Chúa đã làm cho bà làm thinh, không tự bênh vực hay giải thích, cả đến thanh danh và sự vô tội của mình. Bà phó mọi sự cho Chúa ; thà chịu nghi ngờ và xấu hổ hơn là tố lộ việc của ơn thánh, tin tưởng phó thác cho tình yêu và quan phòng Thiên Chúa.
+ Sau này người ta nói Đức Maria có bày tỏ cho ông Giuse biết nhưng vì ông sống công chính nên thấy trách nhiệm quá lớn lao để rồi ông toan tính bỏ bà cách kín đáo
“ông Giuse… là người công chính” 
Vì Đức Mẹ và thánh Giuse đã thành vợ chồng thực sự, và việc Đức Maria mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần liên quan trực tiếp đến vai trò của thánh Giuse, nên thiết tưởng, dù khiêm nhường và kín đáo đến mức nào đi nữa, Đức Mẹ vẫn phải chia sẻ vụ việc với người bạn đời của mình.
Phần thánh Giuse, chính vì biết rõ nguồn gốc thai nhi như vậy, nên không thể tố giác bà.
Mặt khác, ông cũng chưa biết ý của Thiên Chúa về vai trò của mình trong việc hệ trọng này, nên không dám tự ý đảm nhận trách nhiệm làm cha của thai nhi.
Trong tình thế lưỡng nan đó, ông nảy ra ý định bỏ bà cách kín đáo.
 Câu này muốn nói rằng, trong lúc khó xử, Giuse đã làm hết sức theo lương tâm của một người (“công chính”) luôn tìm ý muốn của Thiên Chúa.
Đấy chỉ là những toan tính của con người ; nhưng một khi con người đã làm hết sức thì Thiên Chúa sẽ can thiệp để tỏ rõ ý muốn của Người.
Vậy thiên sứ hiện ra trấn an thánh Giuse, không phải về nguồn gốc thai nhi, nhưng là vai trò làm cha của thánh Giuse :
ông sẽ khai sinh cho con trẻ vào dòng họ Đavít và đặt tên cho con trẻ nữa. Thiên sứ nhấn mạnh ông Giuse, con cháu vua Đavít là vì thế.
Giờ đây, trong thời đại này chúng ta vui mừng, vì câu chuyện hấp dẫn sống động của ông Giuse và bà Maria, chúng ta có Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Chúa ở cùng chúng ta.
Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Đây là lời tiên tri Isaia 7,14 đã nói chừng 700 năm trước về ơn cứu chuộc sẽ thực hiện qua dấu một trinh nữ sinh con. Cho nên lời Tin Mừng này nói lên hai ý nghĩa :
1/ Thứ nhất cho biết thực tế thì Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta đã được tiên tri nói trước.
Tông truyền Kitô giáo luôn luôn hiểu như vậy. Quả thực Giáo Hội đã chính thức lên án những giải thích nào không nhận ý nghĩa thiên sai của lời Isaia (Đức Piô VI, Brief, Divina ; 1779).
Vì thế, thực sự Chúa Kitô là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta không phải chỉ vì sứ mệnh mà Thiên Chúa trao,
mà còn là vì Thiên Chúa đã trở nên con người.
2/ Thứ đến là Maria đồng trinh trước và đang khi sinh. Dấu lạ Thiên Chúa về việc ơn cứu rỗi đã tới, chính là một người nữ vừa đồng trinh mà lại vừa làm mẹ. “Chúa Kitô sinh ra mà không làm thiệt hại sự đồng trinh của Maria. Vì thế, chúng ta tán dương Mẹ vô nhiễm và đồng trinh vĩnh viễn là rất đúng. Đó là công việc của Thánh Thần, Đấng trong khi Chúa Con được chịu thai và sinh ra, đã dấu yêu Maria đến nỗi đã ban cho Maria được nhiều con cái mà lại đồng trinh vẹn tuyền mãi mãi”. (Thánh Piô V, sách Giáo lý 1,4,8)
Kết : Nhìn vào đời sống của Mẹ Maria và thánh cả Giuse cho tôi cảm nhận được các ngài có Chúa ở cùng.
Còn tôi, tôi có đủ đức tin để cảm nhận có Chúa ở cùng không nhỉ ?
Hay tôi vẫn cứ bơ vơ lạc loài giữa chợ đời cho đến bao giờ ?
ÔTC


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.