Đụng vào “chỗ sâu” của cuộc sống




Đụng vào “chỗ sâu” của cuộc sống
  Lc 5,1-11

Qua mẻ cá vừa bắt được cách lạ lùng làm cho ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.
Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon : Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta”. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
 “Nhưng dựa vào lời Thầy…”. Ngày nắng, đêm trăng, các ngôi sao, gió thổi, sóng biển, thời tiết… các ngư phủ căn cứ theo kinh nghiệm cha truyền con nối để thả lưới bắt cá.
Còn Ngài, cả đời chưa một lần đụng đến thuyền, đến lưới, đến biển mà Ngài đề nghị thả lưới với những ngư phủ kinh nghiệm đầy mình đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.
Thế mới hay làm gì thì làm, con người đừng dựa vào sức mình ; đừng cậy vào tài ba của mình ; đừng cậy vào kinh nghiệm từng trải của mình, bởi vì Chúa còn làm cho những điều tốt đẹp kỳ diệu hơn thế nữa.
Nói như thế không phải là từ nay không còn cố gắng hay nỗ lực nào nữa, nhưng là sự cố gắng và nỗ lực sáng tạo luôn có Chúa hiện diện và từ trong thẳm sâu vẫn liên lỉ lắng nghe để nhận ra những cố gắng, nỗ lực của mình chẳng đáng giá bao nhiêu.
Ông Nathanaen khi mới có một dấu chỉ khởi đầu đã làm ông “lé” mắt, nhưng Đức Giêsu còn nói với ông : “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1,50)
 “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”.
Hẳn là chỗ nước sâu có nhiều cá, nhưng chả lẽ các ngư phủ lại không biết điều này mà phải đợi Thầy lên tiếng rồi mới thả lưới sao ?
Và kết quả, đúng là chẳng ai ngờ trước.
Lời rao giảng cần đụng vào chỗ sâu tâm hồn lúc đó mới có kết quả,
bởi nơi hố sâu thăm thẳm đó bao nỗi đam mê trói buộc, bao nhiêu ảo tưởng đang bám víu vào, bao tiền bạc danh lợi đang quay tít mù khơi, bao thói điêu ngoa gian giảo đang nằm rình ở đó chờ thời cơ bùng dậy, bao thành công đậu đạt nho nhỏ đang ru ngủ thói tự mãn, bao giấc ngủ mê man, thói quen máy móc không sao gượng dậy được…
Nói chung lại là bao cái thứ ấy chung quy chỉ là cái tôi tham vọng, ích kỷ nó luôn nằm chình ình ra đó, túc trực 24/24, và nó vùng dậy tự nhiên như ruồi.
Cũng ở nơi đó, vì mọi thứ hằm bà lằng mà làm cho khuôn mặt của Chúa mờ nhạt xa vắng khô cứng ;
cũng tại nơi đó Chúa trở thành quan tòa xét xử, mặt lạnh như tiền nộ khí dương oai ;
cũng tại nơi đó Chúa trở thành người thám tử chuyên rình mò xét nét bắt bẻ tội phạm ;
cũng tại nơi đó Chúa trở thành nhân viên thu thuế mà mỗi người phải trả theo luật buộc ;
cũng tại nơi đó Chúa biến thành tủ thuốc cho con người lúc nào cần thì đến còn không thì “biến”…
Và cũng tại nơi đó, ngày đêm vẫn có một đốm nhỏ khát vọng yêu thương.
 “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta”.
Để khỏi sợ cứ thì nói chung chung, ậm ờ, đại khái (ba phải) thế nào cũng được để lọt tai này qua tai kia là ổn đấy thôi ;
để khỏi phải sợ thì cứ nhấn nhiều đến phần chú giải chi li cặn kẽ đã có in sẵn ở trong các sách loại “mì ăn liền” ;
để khỏi phải sợ thì cứ đưa ra những lời hù doạ, răn đe, áp đảo, khủng bố làm nổi da gà rợn tóc gáy ;
để khỏi phải sợ thì cứ kể chuyện hết tích tóp này đến tích tóp kia hoặc trích những câu nói của các danh nhân vĩ đại rồi xít xoa tấm tắc khen ngợi mà chẳng thấy sứ điệp Tin Mừng đâu ;
để khỏi phải sợ thì cứ bật ra những tâm tình bâng quơ với những từ ngữ văn hoa bóng bẩy, lý lẽ khôn cùng ;
để khỏi phải sợ thì đừng bao giờ dại mồm nói toẹt con người cù nhầy của mình ra…
Người rao giảng sợ là vì khi đụng vào “chỗ sâu” của cuộc sống, cuộc sống của mình hoặc là cuộc sống người khác, thì cuộc sống không được yên ổn.
“Không đem hòa bình nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51) ;
“lời chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi” (Ga 6,60).
“Chúng ta là tu sĩ Đa Minh, chúng ta thuộc Dòng Giảng Thuyết.
Chúng ta đừng buồn phiền khi lời giảng của chúng ta làm lối sống của người nghe phải xáo trộn” (cha Radcliffe, Bề Trên Tổng Quyền).
Tự ái, tự mãn, tự hào, tự cao, tự đại… sẽ vùng lên chống lại người nói cách quyết liệt, có khi mất cả mạng sống (không tin cứ hỏi Đức Kitô và các vị nhân chứng của Ngài).
Chẳng hạn ông Phaolô cũng đã được tung hô nhiệt liệt nhưng ông hẳn cũng không thiếu những nắm đấm kê vào mặt hoặc bị gài bẫy bằng những vỏ chuối đặt trước lối đi.
Người rao giảng, có trong sạch đủ (tức có tấm lòng xót thương của Chúa), đụng chạm đến được đốm nhỏ khát vọng yêu thương đang ẩn sâu trong lòng họ hay nói cách khác làm sao bóc trần, gột rửa được cái mớ lạp soong lỉnh kỉnh tạp pí lù trong nơi ẩn sâu đó để đưa gương mặt thật của một vị Thiên Chúa là Cha giầu lòng xót thương được nổi bật lên.
Và một khi họ đã nhận ra được rồi thì niềm vui, hạnh phúc và bình an sẽ trào dâng tràn bờ.
Từ đó họ ấp ủ ân cần gìn giữ hơn một kho báu. Như thế cuộc sống họ quay ngược lại 180 độ.
Nhưng như thế chưa phải là ổn, bởi có những trường hợp họ không thể hiện ra được cuộc sống lại là một điều hết sức gay go.
Làm sao nói về yêu thương mà lại không yêu thương (làm cho bao người kinh hồn khiếp vía) ;
làm sao nói về sự tha thứ mà lại không tha thứ (cứ càm ràm, day dứt mãi) ;
làm sao nói kiêng khem hãm mình mà lại cứ béo phì đỏ gấc lên….
Lúc này lại cần phải nhắc nhở trở về chỗ sâu bên trong của chính mình hay của người khác để thống nhất từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong và sắp đặt lại trật tự (Ta, chứ không phải là ngươi).
Ngày hôm ấy, ngày đáng ghi nhớ, chính Đức Kitô đã chài lưới được các ông. Một “mẻ cá” còn đáng kinh ngạc lạ lùng hơn mẻ cá hầu như rách cả lưới của Phêrô và các bạn chài.
Nhà thần bí Eckhart nói :
Vì tình yêu thương tựa như lưỡi câu của người ngư phủ. Ông ta không thể bắt được cá nếu cá không cắn câu. Ai bị móc vào lưỡi câu ấy thì bị “chộp” nhanh đến nỗi tay chân, mắt mũi, miệng lưỡi, trái tim và tất cả những gì của con người đó đều chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa.
Hãy chăm chú nhìn lưỡi câu đó để chúng ta “được bắt” một cách may lành, vì càng bị bắt giữ bao nhiêu, các bạn càng được tự do bấy nhiêu”.

 “Bỏ hết mọi sự mà theo Thầy”.
Đức Giêsu đã đụng chạm được vào cái chiều sâu bên trong của các ông đó. Một sự gặp gỡ làm nổi rõ lên một gương mặt và làm bật lên cái niềm vui hạnh phúc. Một niềm vui hạnh phúc đích thực sẽ làm nổ tung các ảo tưởng vỡ tan thành mảnh vụn. Từ đó tạo nên sức mạnh dám đánh đổi tất cả mọi hứa hẹn trần gian.
Dù là nghề nghiệp ổn định, dù là kinh tế an toàn, dù là tình cảm đáng trân trọng, dù nhà cửa có êm ấm… thì sức hút bên trong sâu thẳm ấy vẫn cứ thúc đẩy can đảm bước lên đường.
            Vâng, dựa vào lời Thầy
            Chèo ra chỗ nước sâu
            Chúng con thả lưới
            Với sự hiện diện của Thầy
            Chẳng có gì phải sợ
            Và, trước sự lạ lùng và kinh ngạc
            Chúng con bỏ mọi sự
Mà đi theo Thầy
Vậy tôi sợ hay không sợ ?
Vâng, trước mắt vẫn sợ,

nhưng bên trong vẫn nhận ra sự ấm áp âu yếm yêu thương đôn đốc can đảm mạnh dạn bước đi, lên đường.

OTC

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.