Đứng lỳ một chỗ, nơi quá quen thuộc




Đứng lỳ một chỗ, nơi quá quen thuộc
Lc 6,6-11

Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy, thế mà không cho biết Ngài giảng dạy đề tài gì với nội dung sâu sắc ra sao...
mà chỉ ghi lại diễn tiến vụ việc người bị khô bại tay phải (tay trái vẫn tốt) được chữa lành trong ngày sa-bát.
Các kinh sư và người Pharisêu hồi hộp ngồi rình như vị linh hướng ngồi rình bẫy chim, con chim mồi là người bị khô bại tay phải ; còn con chim “khờ khạo”, “dại dột” bên ngoài lớ ngớ là… bị sập bẫy !
Nhưng Đức Giêsu đọc được ý đồ lòng dạ của họ và Ngài đã đặt ra những câu hỏi.
Tôi xin hỏi các ông :
ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay huỷ diệt ?”
Cuối cùng con chim bên ngoài đã không bị sập bẫy và còn làm cho người ngồi rình giận điên lên ! (Ngồi yên cầu nguyện mà toàn nghĩ đến chuyện bẫy chim, thế mà dám bảo trăm công nghìn việc !).
Các kinh sư và những người Pharisêu không bị khô bại tay phải
nhưng bị khô bại cả tấm lòng,
bị khô bại toàn thân,
bị khô bại cuộc sống
Bị khô bại tức là bị cứng ngắc không còn cử động được,
các ông bị cứng ngắc trong luật lệ,
các ông bị cứng ngắc trong bầu khí sống của các ông,
các ông bị cứng ngắc trong nếp sống đạo,
các ông bị cứng ngắc…khi cho mình là đạo đức hơn người…
Bị khô bại trái tim, bị khô bại trí óc,
 bị khô bại toàn thân,
thế mà không biết mình bị khô bại mà lại còn giận điên lên cơ chứ !!

Tôi và chúng ta có bị khô bại tay chân, mắt mũi, tim gan phèo phổi không nhỉ ?
Chắc là không !!! Hình như có !!!
Ô ! có bị khô bại hay không làm sao biết được ?
Cỡ các khinh sư và những người Pharisêu còn chưa biết nữa huống lọ là tôi và chúng ta ?
Muốn biết được có bị hay không bị bại một phần hay toàn phần (tứ chi hay toàn thân) thì cứ áp dụng theo kiểu của vị linh hướng đã góp ý từ khuya rồi, đó là
nhất cự ly, nhì ở lỳ, càng lì càng lòi…cái mặt mốc ra…
lòi CÁI TÔI to đùng của mình ra…’.
Dám chắc một điều là :
Nơi nào, chỗ nào, người nào… không có tình yêu thì ở đó bị khô bại.
Chúa Giêsu Thánh Thể bảo tôi và chúng ta 
“Anh chỗi dậy, ra đứng giữa đây !”.
Đứng lỳ một chỗ, nơi quá quen thuộc
mà không dám dứt bỏ ra… đứng giữa đây.
Can đảm và tin tưởng chỗi dậy, dứt bỏ mọi ràng buộc,
tháo gỡ những vướng mắc để thanh thản bình an hồn nhiên…
đến “chơi”, nghỉ ngơi với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày.
Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm (ở giữa)
nên ai đến ở lại với Ngài thì cũng là ở giữa, với Ngài, trong Ngài.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)
Tôi và chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể ở yên để Ngài làm,
Ngài làm những việc của Ngài là “Anh giơ tay ra !”.
Hãy phơi bày mình ra trước mặt Ngài để Ngài giúp cho thấy, cho biết,
cho nhận ra những khô bại của mình trong đời sống với chính mình và với tha nhân.
Thời gian mau hay lâu, Chúa sẽ thấy tay chân mình mẩy của tôi và chúng ta trở lại bình thường 
“Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường”.
Nhận lại những gì mình đã đánh mất từ cái thuở ban đầu ấy.
Ông Phaolô cũng thế, sau khi được chữa lành, ông đã trở thành một tông đồ nhiệt thành phục vụ Tin Mừng Nước Thiên Chúa 
“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”.
Chính nhờ kinh nghiệm được chữa lành mà ông đã
rao giảng Đấng đã chữa lành ông
để mỗi người cũng được gặp gỡ Đấng chữa lành ấy 
“Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô”.
Cuối cùng, tôi và chúng ta, thay vì “bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không” 
thì hãy bàn với nhau xem
Đức Giêsu tại sao không làm gì được cho tôi và chúng ta ?
Phải chăng vì tôi và chúng ta không dành giờ cầu nguyện ?

OTC

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.