Phép lạ và lòng tin




Phép lạ và lòng tin
Mc 5,21-43


Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu làm hai phép lạ cho con gái ông trưởng hội đường Gia-ia và người đàn bà bị băng huyết lâu năm gần như giống nhau. Cả hai cùng là quá đau khổ, cùng cần phải đụng vào Ngài, cùng được nhắc đến lòng tin…

Nhiều vị giảng trên tòa và viết bài đã khai thác nhiều góc cạnh khác nhau để chia sẻ bài Tin Mừng này.
Vị thì nhắc việc cầu xin thì phải tích cực với hành động chứ đừng ngồi không mà xin ;
vị thì nhắc nhở là xin phải có lòng tin mới được ;
có vị nói đến việc đụng chạm vào Chúa ;
vị thì nói đến phép lạ do lòng Chúa yêu thương….

Phép lạ
Nói đến phép lạ thì rất là hấp dẫn nhưng thường làm cho một số đông người hiểu lầm và có khi dẫn đến thất vọng…
– Đức Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa, theo Tin Mừng Luca thì đây là cám dỗ thứ ba 
“Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi !” (Lc 4,9).
Tức là quỷ dữ dụ khị Đức Giêsu không đi theo đường lối của Thiên Chúa mà là theo cách thức của “Hắn”.
Cám dỗ thứ nhất cho con người bánh ăn, thứ hai dùng uy quyền thống trị, thứ ba dùng phép lạ, con người sẽ tuân theo răm rắp, chứ dùng tình yêu tình iếc mà làm gì cho nó rắc rối.
 “Hắn” không cám dỗ được nên quỷ dữ nghĩ thầm : Hãy đợi đấy ! “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”.
Tức là nó không tha và sau này nó còn sử dụng cả những người thân cận là các môn đệ như ông Phêrô để cám dỗ “Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).
Đến lúc Đức Giêsu sắp tắt thở, “hắn” còn dùng miệng lưỡi những người đứng dưới chân thập giá mà ngạo mạn : “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói : “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !”
Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói : “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en ! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền ! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn ! Vì hắn đã nói : “Ta là Con Thiên Chúa !”
Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế” (Mt 27,39-44)
Vậy Đức Giêsu có khoái làm phép lạ hay chỉ vì thương con người quá “nín” không nổi ?
– Theo lẽ công bằng thì tình thương yêu phải trải rộng khắp, đã cho một người thì phải cho hết mọi người mới đồng đều chứ ?
Tại sao chữa bịnh và cho sống lại có vài người mà không cho tất cả ? Vậy có bất công không ?
Nhiều người đã thất vọng, bỏ đạo, lơ tơ mơ với Chúa vì chuyện bất công này (xin mà không được) ?
Số ít được thưởng còn đa số bị phạt à ? Số ít hên số nhiều xui ?
Xưa nay bàn dân thiên hạ có đồng quan điểm với nhau là nếu nhận được cái gì người khác cho thì hiểu đấy là họ yêu thương mình, còn ngược lại… ?
Vậy không nhận được gì cả mà yêu thương đấy mới là chuyện lạ. Hơi bị hiếm thứ tình yêu vô vị lợi, tình yêu nhưng không, tình cho không biếu không. Nhất là ngày nay, phục vụ từ a đến z… có mà bán nhà đi mà “boa” nhá !
Chúa làm phép lạ có phải vì thương người này và ghét người kia không?
Nếu phải thì không còn là Chúa nữa ! Ngài không còn xứng đáng là cha của chúng ta nữa ! Chúng ta cũng chẳng cần một người cha như thế ?
“Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45)
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13)
Vậy Đức Giêsu có khoái làm phép lạ hay chỉ vì thương con người quá “nín” không nổi ?

Lòng tin
“Người nói với bà ta : “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”
– Sau phép lạ thì lòng tin của các người đó sẽ như thế nào chẳng ai biết được vì Tin Mừng cũng không hề kể tiếp.
Có phải lòng tin như một điều kiện để lãnh nhận phép lạ không ?
Lãnh nhận phép lạ rồi họ có đổi mới cuộc sống không ?
Họ có lối sống chôn vùi xóa mình kín đáo như “cái ơn gọi kia” không ?
Họ có hạnh phúc ngập tràn từ chân tới cổ không ?
Họ có yêu thương tha nhân mà không có luật trừ không ?
Họ có hóa rồ rồi leo lên sân thượng công bố Tin mừng bình an của Chúa không ?
Nhiều người muốn có phép lạ lắm và họ đã cố gắng tin nhưng họ cũng chẳng biết tin như thế có đúng không mà sao phép lạ vẫn cứ đi vắng ?
Bệnh tật, nghèo khổ, đau thương khốn khó vẫn cứ đeo bám vào cổ không biết đến bao giờ Chúa mới làm phép lạ ?
– Lòng tin đón nhận phép lạ có lẽ là không giống lòng tin khi Chúa Phục Sinh tỏ mình ra, gặp gỡ được nhỉ ? 
“Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn”.
Có vị nào biết tại sao Đức Giêsu lại cấm họ không được để một ai biết việc đó, trong khi có cả “một đám rất đông đi theo và chen lấn Người” ; “Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ”.
Vậy cấm để làm gì ?
Có phải cấm chỉ là cấm vậy thôi ? Trong Tin Mừng có nói đến mấy trường hợp được Đức Giêsu làm phép lạ chữa lành rồi họ đòi đi theo Ngài nhưng Ngài đã từ chối.
Còn Tin Mừng Phục Sinh khi đã gặp gỡ được Chúa Giêsu tỏ mình ra thì họ đã không thể ngồi yên. Nguyên cuốn sách Tông Đồ Công Vụ đã diễn tả nhóm người đó khua vang cả trái đất, nói tiếng lạ, làm phép lạ và sẵn sàng hiến dâng cả mạng sống của mình để làm chứng cho Tin Mừng bằng một đức tin sống động.
Kết
Vậy từ thời Chúa Phục sinh cho đến ngày nay những con người hoán cải là nhận lấy Đức tin Thiên Chúa ân ban.
Một Đức tin từ thời các vị tông đồ sau khi Chúa Phục Sinh đến chúng ta hôm nay là có Thiên Chúa ở cùng.
Có Chúa ở cùng không phải để Ngài “ngủ” yên trong lòng mình mà là sống tương quan thân thiện với Ngài trong cuộc sống thường ngày.
Hãy để cho Ngài sống và lớn lên trong cái thế giới đầy “bụi bặm” văn minh sự chết cuồng điên này à là mà…
Làm cho Nước Trời được lớn lên trong cái “lam lũ” từng ngày để Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện.
Tất cả là giúp cho con người sống hạnh phúc vui tươi bình an trong lúc đang “kéo cày” đời mình.
Nước Trời hôm nay là thế đó. A-men.


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.