KHỔ CHẾ
Mt 9,14-17 ; Am 9,11-15
Những người đạo đức ngày xưa trong nhà đạo vẫn có câu : ăn chay,
hãm mình, đánh tội, phạt xác. Nhất là trong các dòng tu, có khi còn thi đua
hành hạ mình để nên thánh sớm !!
Ngày nay rất ít người nói đến chuyện này nhưng trong Tin Mừng hôm
nay nói đến chuyện ăn chay. Các môn đệ của ông Gio-an theo gương thầy, học
đường lối của thày nên ăn chay rất kỹ, vượt trên hết mọi người, bởi họ tình
nguyện sống đạo đức mà ! càng nhiều càng tốt ! và có lẽ có thể bữa tiệc khỏan
đãi Thầy Giê-su đã được tổ chức đúng ngày ăn chay ‘đạo đức’ nên họ mới đưa ra
câu hỏi để chất vấn Thầy Giê-su
“Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông
lại không ăn chay ?”.
Việc ăn chay, hãm mình nói chung là việc khổ chế. Vậy đời sống,
theo luật phải khổ chế hoặc tình nguyện khổ chế, là để làm gì nhỉ ?
Trong Cựu Ước, lý do quan trọng người ra ăn chay chính là để chờ
đón Đấng Mê-si-a. Thế mà Ngài đã đang đứng lù lù trước mặt các ông, các ông
không nhận ra nên cứ cố ra mà ăn chay.
Nếu ăn chay chỉ dừng ở nơi mình là để cho mình đạo đức thôi thì dễ
đưa đến tự hào lắm. Rồi cũng chẳng đưa dẫn tới đâu ! Hầu hết xưa nay vẫn thế
đấy !
“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác :
tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi
tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ (Lc 18,12) ; hoặc là “Còn khi ăn chay, anh em chớ
làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ
thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt
6,16)
Còn nếu ăn chay, khổ chế… để mong sao con người mình được nhẹ
nhàng thanh thóat thức tỉnh, cầu mong gặp gỡ được Chúa thì quả thật bà An-na có
kinh nghiệm lâu năm trong chuyện này “Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn
chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại
gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ
ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” (Lc 2,37)
Khi đã sống gần gũi thân mật với Thầy Giê-su rồi thì thật niềm vui
khôn tả đầy ắp tâm can. “Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc
cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ ?”.
Thầy Giê-su ngụ ý nói thời của Người là tiệc cưới, chính Người là
Tân Lang và các môn đệ Người là các chàng phù rể. Ong Gio-an Tẩy giả cũng ví
mình như phù rể “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói : ‘Tôi
đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ Ai cưới cô
dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui
mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui
ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga
3,28-30)
Chính vì các ông cứ bám víu vào luật lệ Cựu Ước, lại còn sống ‘nổ’
hơn luật dạy nên thời Tân Ước đã đến các ông không nhận ra được để mà thay đổi
nếp sống, não trạng, lòng dạ các ông.
Vì thế Thầy Giê-su mới đưa hình ảnh vải mới-áo cũ và rượu mới-bầu
da cũ. Ý nghĩa của những gì thuộc Cựu Ước chỉ hiện lên dưới ánh sáng của
Tin Mừng.Thế mới giữ được cả hai là như vậy (x. Mt 5,17-20).
Ngày nay nhiều người vẫn sống đạo theo thời Cựu Ước lắm ! Họ mong
mình sống đạo đức để được lên thiên đàng bằng những việc khổ chế như gồng mình
lên hy sinh, chay kiêng, hãm mình, phạt xác ; khi gặp biến có đau thương họ vẫn
gán cho Chúa là gửi thánh giá đến, Chúa bắt chịu vậy để đời sau thưởng lên
thiên đàng, Chúa phạt nhãn tiền…
Sách ngôn sứ A-mốt cho thấy Đức Chúa sẽ thực hiện những chuyện tốt
đẹp cho dân người bằng những việc làm cụ thể
“Này đây sắp đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – thợ cày nối
gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống ; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt
nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy. Ta sẽ đổi vận mạng của Ít-ra-en dân Ta :
chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó ; chúng sẽ uống
rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác”.
Đừng cuộn mình trong gối ấm nệm êm (nhân đức) rồi tưởng mình là
nhất nhé !
Hiểu được khổ chế rồi thì hôm nay bắt đầu khổ chế nghe bạn !
OTC
Leave a Comment