BIẾT MÌNH




BIẾT MÌNH
OTC

1 - “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.

Người ta cứ tưởng đám đông sẽ làm khuynh đảo, sẽ trở thành một áp lực mạnh, sẽ làm cho đối phương kinh hồn khiếp vía.
Họ tưởng là họ sẽ thử thách bắt bẻ được Ngài.
Một trong hai, đàng nào cũng chết.
Nếu kết án xử tử thì đụng đến luật của người Rôma (quân Rôma giữ độc quyền luật này) ;
nếu tha bổng thì phạm vào luật Môsê, vì là đấng bậc làm thầy mà không giữ luật thì dân chúng sẽ coi thường khinh rẻ xa lánh.
Họ tưởng họ nắm đằng chuôi nhưng Đức Giêsu vẫn cứ bình tĩnh và sáng suốt, cúi xuống và lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên nói với họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.
Đức Giêsu đã soi rọi thấu vào mỗi con tim họ. Đức Giêsu đã phơi bày ra trong tâm trí của họ để họ nhận ra con người thật của mình.
Họ đã biết mình, họ đã nhận ra mình chẳng có gì tốt lành hơn người phụ nữ này nên lần lượt, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi (dĩ nhiên người lớn tuổi đi trước vì thấy mình nhiều tội hơn là cái chắc rồi !)
Biết mình thì sẽ dễ khiêm tốn, biết mình thì dễ cảm thông, biết mình giúp cho dễ đón nhận, biết mình thì dễ tha thứ và yêu thương.
Nhưng làm sao để biết mình đây ?
Chuyện này chẳng dễ tí nào !

2 - “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13) Chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện.
Lời cầu nguyện của ông Pharisêu. Ông Pharisêu thì ngửa mặt, ưỡn ngực, chân đứng thẳng, tay giơ lên và gào to lên rằng : “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác.... Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa...”.
Đây là cung cách cầu nguyện rất tự nhiên, đây là lời nguyện bình thường như bao người khác, ngày xưa cũng như ngày nay, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên và phải trách cứ.
Ngày nay người ta vẫn nói với Chúa và nói với nhau như thế đấy. Thí dụ như :
Lạy Chúa, con đội ơn Chúa vì Chúa đã thương con cách đặc biệt. Chúa đã gọi con đi tu rất sớm. Con được vào nhà dòng tường cao hành lang rộng rất thoáng mát, ngày cơm cá thịt ba bữa vỗ bụng bình bịch, mọi nơi mọi xó được xếp đặt ngăn nắp gọn gàng sạch sẽ trông thật mát mắt, áo dòng xúng xính giờ kinh rân ran trông y như người thuộc cõi trên...
Mỗi tuần con nhịn ăn hai lần, mỗi lần mấy quả chuối vài quả me. Con không như những đứa bạn của con. Đứa nào cũng vì chồng con, vất vả, nhão nhoẹt, xộc xệch hôi xình. Cứt chó sân trước, cứt gà trong nhà, cứt lợn đằng sau... thúi hoắc.
Lời cầu nguyện của ông thu thuế : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Vì ông này hay ở chỗ là biết mình nên ông khiêm tốn. Ông đứng đằng xa không phải là vị trí hay khoảng cách nhưng là nhận ra con người thật của mình. Chẳng dám ngước mắt lên trời lại còn đấm ngực là dấu hiệu cho ta thấy mình chẳng là cái cóc khô gì mà chỉ còn biết cậy dựa nương nhờ vào lòng thương yêu của Thiên Chúa. Khi nói lên tội lỗi sai phạm của mình thì đồng thời cũng chính là lúc tuyên xưng lòng thương xót của Chúa. Ông này cầu nguyện trong sự biết mình thì hơn hẳn lời cầu nguyện của ông kia.

3 - “Chúa quay lại nhìn ông... Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).
Cuộc thương khó của Đức Giêsu, hai nhân vật nổi cộm. Đó là ông Phêrô và ông Giuđa Ítcariốt. Hai ông đều hối hận về lời nói, việc mình làm….
nhưng ông Phêrô hối hận và nhận biết mình nên ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
Còn Giuđa hối hận và thất vọng lại treo cổ tử tử. Thế có đáng buồn không cơ chứ ?
Câu chuyện trên đồi Gôn-gô-tha, gọi là Cái Sọ. “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái” (Lc 23,40). Đấy tên gian phi bên này mắng tên gian phi bên kia. Lời này đã nói lên tên gian phi nhận biết mình nên đã được Đức Giêsu tuyển thẳng vào Thiên Đàng mà không phải đi qua luyện ngục.
Thế mới thấy việc biết mình cần thiết đến là chừng nào !
 “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8)
Đây là lời thú nhận của ông Phêrô khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng tại hồ Ghennêxarét.
Và câu tiếp sau đây của ông đại đội trưởng vì ông có người đầy tớ bị tê bại nằm liệt đau đớn lắm : “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8).
Lòng khiêm tốn bắt nguồn từ chỗ nhận biết thân phận con người thật của mình. Chứ không phải là nghệ thuật giao tiếp hay cố tình tảng vờ tỏ ra khiêm hạ để cho được việc đâu à nghe !.
Từ lòng khiêm tốn này, ta nhận ra lòng thương yêu của Chúa mà Chúa không cần biết là ta có xứng hay bất xứng.
Người vẫn cứ bước tới và thực hiện những việc tốt đẹp cho ta, bất chấp, mặc cho ta nhận ra ta không là gì và lòng ta rất ngại.
Ông bố trong đoạn Tin Mừng Người Cha Nhân Hậu, ông chẳng bận tâm tới những lời lảm nhảm của thằng con biết mình cà trớn nay quay trở về.
Ông một mực nhấn tới những việc tích cực : Chạy đến, ôm hôn, “mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt...” (Lc 15,22).
Tức là đã chuẩn bị từ trước rồi đấy nhé !
Biết mình thì sẽ dễ khiêm tốn, biết mình thì dễ cảm thông, biết mình giúp cho dễ đón nhận, biết mình thì dễ tha thứ, biết mình để thấy đời mình được yêu thương, biết mình để mình không còn bận tâm lo cho mình vì chỉ còn thấy mình hạnh phúc.
Nhưng làm sao để biết mình đây ?
Chuyện này chẳng dễ tí nào !

4 - Im lặng và im lặng, im lặng nhiều hơn nữa
để biết mình là ai ?
Ở đâu mà đến ? Đi đâu và rồi về đâu ?
Hãy để cho tin Mừng dồn chúng ta vào thế phải im lặng. Đừng lấy làm lạ về chuyện này.
Bởi vì mọi Tin Mừng đều bắt đầu từ sự thinh lặng. Tin Mừng của Luca bắt đầu với sự im lặng ngạc nhiên của Zacaria ;
Mat-thêu với sự  im lặng tra vấn của thánh Giuse ;
Mac-cô với sự  im lặng của hoang mạc ;
và Gioan với sự im lặng nguyên thuỷ từ đó Lời đã hiện diện.
Thiên Chúa sẽ thực hiện làm thay đổi con người khi con người chìm sâu trong thinh lặng, nhất là khi con người được tách riêng ra khỏi đám đông, khỏi sự nhốn nháo ồn ào.
Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh” (Mc 7,33)
Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh...” (Mc 8,23)
Mười người phong cùi được chữa lành đang khi đi trình diện tư tế và rồi cũng chỉ có một anh ngoại bang quay trở lại.
Anh đã tự tách riêng ra để rồi không những anh được chữa lành phần xác: “Đức Giêsu mới nói : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì 9 người kia đâu ?... mà chỉ có người ngoại bang này ?”
mà cả phần hồn nữa : “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,17)
Chuyện ông Dakêu lùn (Lc 19), nếu ông chen lẫn trong đám đông thì cũng như bao nhiêu người khác thôi. Nhưng ông đã biết con người chiều cao hơi bị “khiêm tốn” nên ông tách ra và leo lên cây sung để rồi một cuộc thay đổi từ bên trong ra bên ngoài là thế đấy ! “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Phần chúng ta, ơn gọi của chúng ta, chúng ta đã được tách riêng ra.
Chúng ta tình nguyện đi vào nơi vắng vẻ bên ngoài và còn vào cả nơi “trống rỗng” bên trong lòng mình để Chúa cứu chữa, để gặp gỡ được cái nhìn của Đấng là nguồn tình yêu, niềm vui, hạnh phúc.
Thiên Chúa ngỏ lời với thánh nữ Catarina thành Siêna :
 "Ta là Đấng hiện hữu - Con là kẻ không hiện hữu".
Khi chúng ta đi vào thinh lặng, chúng ta cảm nghiệm mình không phải là kẻ hiện hữu. Cái trung tâm không còn ở trong chúng ta nữa, trung tâm của chúng ta ở nơi Thiên Chúa. Còn chúng ta chỉ là vòng bao chung quanh.
“Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16) 




Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.