Mời Chúa Giêsu Thánh Thể ở lại với ta




Mời Chúa Giêsu Thánh Thể ở lại với ta


Từ Emmaus, Hai môn đệ trên đường quay về nhà, nhà là nơi cần thiết cho những tâm hồn mệt mỏi, thất bại, đau khổ trở về tìm nguồn an ủi.

Với hai môn đệ, ngôi nhà Tâm Hồn - Đền thánh Thiên Chúa - , bây giờ đã có ý nghĩa hơn hẳn một nơi cư ngụ cần thiết.
Trời đã xế chiều, và ngày đã tàn… mời ông đến và ở lại với chúng tôi.
Căn nhà Tâm Hồn của họ đã nên một nơi để tiếp đón một người khách, một nơi hội ngộ, tiếp tục cuộc trò chuyện còn dang dở, một nơi ấm áp nơi bàn ăn, và chính nơi đây họ đã gặp được Thầy mình, cũng là lúc họ gặp lại chính họ trong nhà nội tâm họ.
Trong hành trình đức tin của ta, đã có khi nào ta mời Chúa Giêsu Thánh Thể ở lại với ta chưa?
Vì thường thì ta chỉ nghĩ đến Chúa mời gọi ta đến nhà Ngài, tới bàn tiệc của Ngài.
Nhưng Chúa Giêsu lại muốn được mời.
Ta không mời thì Ngài rời đi nơi khác, Ngài luôn là người khách lạ dù Ngài đã đem đến cho ta bao niềm vui, mang đi dùm ta những nỗi u buồn và mang vác dùm nhiều gánh nặng…
Một trong những giây phút có tính quyết định nhất của Bí Tích Thánh Thể chính là lúc ta thực hiện lời mời ấy.
Chúa Giêsu là một con người rất thú vị, rất tế nhị.
Lời Ngài đầy khôn ngoan, có sức đánh động mãnh liệt.
Sự hiện diện của Ngài sưởi ấm tâm hồn, xoa dịu nỗi khổ đau.
Sứ điệp của Ngài đầy thách thức.
Nào,  ta có dám mời Ngài vào nhà ta không, vào tận cõi thẳm sâu nhất của ta để chính ta biết rõ ta như thế nào không?
Ta có muốn Ngài vào căn phòng nhà mình không..?
hay ngược lại,  chính ta chỉ muốn khóa kín thật kỹ bằng ổ khóa mật mã toàn những ký hiệu đen ngòm… chỉ một mình ta biết!!! (Chúa cũng chịu thua !!!)
Ta có muốn Ngài ở lại với ta mãi mãi không?
Trong cuộc đời ta cũng nhiều khi gặp những người khách lạ, đồng hành với ta một chặng đường.
Nhiều người đã để lại trong ta những ý nghĩ độc đáo, những lời khuyên tốt lành, những quan điểm kỳ diệu, những ý tưởng hữu ích cho đời sống v.v…
song chỉ khi ta có lời mời xin hãy đến và ở lại với tôi thì một cuộc gặp gỡ thú vị mới có thể phát triển thành mối tương quan có tính biến đổi.
Thánh Thể Chúa đòi hỏi lời mời này.
Ngài chấp nhận lời mời vào bàn ăn là nơi chúng ta khám phá ra nhau, là nơi diễn tả tình thân cho mọi thành viên hiện diện, cũng là nơi diễn tả sự xót xa cay đắng nhất khi không có tình yêu thương hiện diện.
Chúa Giêsu đã phải lên tiếng  trong bữa tiệc ly: Nhìn kìa, kẻ đang đồng bàn với Thầy chính là kẻ phản Thầy
Thánh Thể là một cử chỉ thần thiêng nhất. Đó là sự thật rất thật về Chúa Giêsu.
Rất nhân loại nhưng cũng rất Thiên Chúa, rất quen thuộc nhưng cũng rất mầu nhiệm, rất gần gũi nhưng cũng rất khó hiểu.
Đó chính là chuyện Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cho ta, Thiên Chúa ở với ta và ở trong ta.
Ngài cho đi tất cả.
Anh em hãy ăn, hãy uống đi, này là Mình Thầy, này là Máu Thầy… đây là Thầy vì anh em.
Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu cho đi tất cả.
Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu Ngài để cho đi. Rượu là Máu Ngài được đổ ra cho ta. Vì Thiên Chúa đã hiện diện đầy đủ với ta nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng hiện diện với ta đầy đủ nơi Bánh và Rượu Thánh Thể.
Ngài đã không giữ lại gì cho chính Ngài. Ngài cho đi tất cả trong mầu nhiệm Nhập Thể. Nhập Thể để cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi mà Adam&Eva đã gieo vào thế gian.
Nhập Thể và Thánh Thể là hai mầu nhiệm diễn tả tình yêu của Thiên Chúa trao ban chính Ngài một cách vô biên. Ngài đến thế gian và muốn trở nên thức ăn của uống cho nhân loại mọi nơi, mọi lúc.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho ta.  Khi ta nhận bánh ấy từ tay vị chủ tế và đưa lên miệng ăn, thì mắt đức tin ta mở ra và ta nhận ra Ngài.
Chính lúc này Ngài hiện diện với ta, lại là lúc Ngài xa vắng nhất.
Đó là sự hiệp thông thánh thiêng sâu thẳm nhất của Thánh Thể, một sự hiệp thông rất mật thiết, rất thánh thiện, rất thần thiêng và rất thiêng liêng đến độ giác quan của ta không còn sờ đụng được nữa.
Đó là ssâu thẳm của đời sống thiêng liêng, một sự sâu thẳm mà thánh Augustino đã cảm nghiệm:
“Thiên Chúa còn sâu thẳm hơn chính thẳm cung của lòng tôi” (Deus intimior intimo meo!)
Sự hiệp thông với Thánh Thể Giêsu là đtrở nên giống Ngài. ‘
Từ đó hiệp thông to nên cộng đoàn. Đức Kitô sống và nối kết mọi người trong cộng đoàn với nhau cách mới mẻ và sống động.
Thánh Thần Chúa Phục Sinh qua việc ăn và uống chung, cùng chia sẻ một bánh và một chén của Thầy, là chính Mình và Máu Thầy, cộng đoàn trở nên một thân mình duy nhất trong Giáo Hội Công Giáo.
Khi hai môn đệ trở về Giêrusalem họ hứng khởi với một tinh thần vui tươi, an bình và can trường, hy vọng và yêu thương của Thiên Chúa. Họ không còn nghi ngờ nữa:
Ngài đang sống. Thầy mình đã trỗi dậy và đang sống. Ngài sống như một hơi thở mới,  hiện hữu thực sự trong tâm hồn và thể xác của họ.
Họ trở về với nhóm của họ một cách hân hoan mới mẻ như những người đang mang một sứ mạng chia sẻ để mọi người cùng được đón nhận.
Mặc dầu họ biết rõ những nguy hiểm sau khi Thầy mình bị hành quyết thì sẽ có những nguy hiểm gì sẽ xảy ra với họ, có thể họ sẽ mất mạng sống nhưng họ không còn sợ hãi nữa.
Họ phải gặp nhóm 11 để xác quyết với nhau về Thầy mình: Tình Yêu mạnh hơn sự chết.
Hiệp Lễ cuộc sốngThánh thể, luôn luôn bao gồm một sứ vụ:
Thành lễ đã hết, Hãy ra đi (Ite Missa est)
Anh chị em hãy lên đường, đây là Sứ mệnh Ngôn sứ của anh chị em.

Elizabeth Nguyễn


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.