Khôn và Dại




Khôn và Dại
Mt 25,1-13
Khôn ngoan của con người
Cứ theo cái nhìn của nhân loại thì năm cô khờ dại đáng trách thật !

Với lứa tuổi và tới thời hạn là các cô theo nhau xếp hàng lần lượt lên xe bông về nhà chồng, cái chuyện cưới hỏi chả có gì lạ lẫm, quá quen thuộc đối với các cô…
Nhưng qua đoạn Tin Mừng này, con người với nhau tha hồ đưa ra những lời khuyên răn, cố hết sức để trở nên những người khôn ngoan. Khôn ngoan biết dự trữ dầu và đèn. Khôn ngoan che chắn để ngọn lửa khỏi tắt. Khôn ngoan đề phòng chàng rể đến bất ngờ…
có nghĩa là cố gắng giữ đức tin, đừng lơ là trong lòng mến và thiết tha với niềm cậy trông
Trong thực tế, hiện tại lối sống đạo hôm nay đang diễn ra có người khờ dại và có người khôn ngoan thật đấy nhưng để được khôn ngoan không thể cố gắng bằng sức con người được.
Cùng lối sống đạo như nhau, cùng đi nhà thờ lễ lạy kinh hạt như nhau, cùng lãnh các Bí tích như nhau… Nhưng có người đón nhận Chúa vào trong đời mình để Chúa hành động và có Chúa là sức mạnh…
Còn những người kia thì tự sức mình chu toàn một cách lưu loát cho mình, làm cho mình an ổn được rồi…
Thường những người chỉ biết đón nhận Chúa để Người làm chủ cuộc đời của mình thì lại là những người ‘khù khờ’, ‘dốt nát’, ‘kém cỏi’ bị ‘loại trừ’, ‘nghèo hèn’, ‘bất tài’
Do đó trong lối sống đạo trà trộn như thế này thì chẳng dễ phân biệt, chẳng dễ nhận ra… ai khôn ai dại !!!
Khôn ngoan của Thiên Chúa
Cái khôn ngoan của Thiên Chúa thì đối với loài người lại là ‘điên dại’ ‘khù khờ’ ‘ngớ ngẩn’ “Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27)
“thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23). Đối với người Hy lạp luôn đề cao người khôn ngoan thông thái vì ai sống càng khôn ngoan thì càng gần với thần minh, càng nên giống thần minh… còn những kẻ bịnh tật, dốt nát, kém cỏi, đần độn thì phải loại trừ và xua đuổi, coi như đồ vô dụng… Hay như ông Giêsu kia chẳng ‘khôn ngoan’ chút nào, quá là ‘dại dột’, chuốc lấy đau khổ và chết nhục nhã trên cây thập tự như vầy thì còn ra thể thống gì nữa ?
Vậy cần phân biệt ‘khôn ngoan’ của Thiên Chúa hay của người phàm ; ‘khờ dại’ của Thiên Chúa hay của phàm nhân ? Những ai đã có kinh nghiệm trong việc hoán cải cùng với một đời sống đức tin sống động thì rất dễ phân biệt, dễ nhận ra…
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Khi chúng tôi liên lỉ sống gắn bó Người, ngày nào và giờ nào cũng luôn có sự Hiện Diện đồng hành bên cạnh thì có cần chi phải canh thức nữa nhỉ ! Đưa hình ảnh một đám cưới để nói về Nước Trời, rồi đi đến kết luận là ‘hãy canh thức’ kẻo giật mình hoảng hốt vì chuyện bất ngờ !
Người ‘khôn’ thì bình tĩnh còn người ‘dại’ thì giật nẩy cả và mình lên !
“Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà”. Đọc đoạn Lời Chúa này hay quá nhỉ ! và nghe có vẻ quen quen…
À ! thì ra, chúng tôi vẫn theo sát Hành Trình Sống Đạo của ông thợ cày. Khao Khát – Kiếm Tìm – Gặp Gỡ ngay trong tâm hồn của mình. Thế mà trước đó cứ phải lang thang đó đây tơi tả vất vả kiếm tìm…
Tưởng rằng con người khao khát Chúa thì hóa ra…
Tưởng rằng con người kiếm tìm Chúa thì hóa ra…
Chúa còn khao khát và kiếm tìm gấp bội lần con người khao khát và kiếm tìm Ngài “Vì những ai xứng đáng với Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ”. 
Và rồi “Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan là đạt được sự minh mẫn toàn hảo. Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm, sẽ mau trút được mọi lo âu”.
Quá đã ! không cần viết thêm làm gì nữa !

OTC

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.