Minh-Triết Trong Một Phút




Minh-Triết Trong Một Phút

"Thưa Thầy, có thể nào có sự Minh-Triết Trong Một Phút không?"
Minh-Sư đáp: "Chắc chắn có.”
“Nhưng một phút chắc chắn quá ngắn ngủi phải không?”

“Nó quá dài đến độ thừa ra năm mươi chín giây đấy!”
Thấy đệ tử ngỡ ngàng, Minh sư bèn nói tiếp: "Phải mất bao lâu để nhìn thấy mặt trăng?”
“Vậy tại sao ta cần phải mất bao nhiêu năm tháng dài để bồi bổ tâm linh?”
“Có thể phải mất cả cuộc đời mới mở được mắt mình ra.
Nhưng để nhìn thấy thì chỉ cần một chớp nhoáng.”
Minh Sư trong những mẩu chuyện sau đây không phải là một nhân vật duy nhất. Ngài chính là một Gu-ru Ấn-Độ, một Thiền Sư, một Đạo Nhân, một Ra-Bi Do-Thái, một Đan Sĩ Kitô giáo, một Xu-Phi Hồi giáo. Ngài vừa là Lão-Tử lẫn triết gia Socrate, là Đức Phật Thích-Ca lẫn Chúa Giêsu, là Zarathustra lẫn đức Mahomet.
Người ta tìm thấy giáo thuyết của ngài ở thế kỷ thứ bảy trước công nguyên và ở trong thế kỷ hai mươi nữa.
Sự minh triết của ngài thuộc về cả Đông lẫn Tây.
Tiểu sử của ngài thực sự có quan trọng lắm không?
Nói cho cùng, lịch sử chỉ ghi chép những hiện tượng, chứ không phải cái Thực Chất, những giáo thuyết chứ không phải sự Thinh Lặng.
Chỉ cần một phút để đọc mỗi một giai thoại
nhưng phải cần cả tháng để suy tư về một ý tưởng mà thôi…
Có thể quí vị sẽ thấy ngôn từ của Minh Sư chói tai, gây phẫn nộ, hoặc hoàn toàn vô nghĩa.
Quả thật không phải là một quyển sách dễ đọc!
Sách này được viết ra, không phải để giáo huấn
nhưng để Thức Giác.
Tiềm ẩn trong những trang sách đó (không phải trong những giòng chữ in, không phải ngay cả trong những câu chuyện, nhưng là trong tinh thần, trong tâm thức, trong bầu không khí) là một sự Minh Triết
không thể truyền đạt qua ngôn ngữ con người.
Khi quí vị đọc những trang sách in và cố gắng lãnh hội ý nghĩa ngôn từ khó hiểu của Minh Sư thì có thể quí vị, mặc dù không chú tâm, sẽ được may mắn sa vào sự Giáo Huấn Thầm Lặng bàng bạc trong suốt quyển sách
và quí vị sẽ được Thức Giác - và biến đổi.
Minh Triết có nghĩa như sau:
quí vị được thay đổikhông cần phải dùng một nỗ lực mảy may nào;
được biến đổi - quí vị tin hay không thì tùy ý- chỉ bằng cách thức giác để đối diện với thực chất,
cái thực chất không nằm trong ngôn từ mà hiện hữu bên kia biên giới của ngôn ngữ.
Nếu quí vị may mắn đã được Thức Giác, quí vị sẽ hiểu vì sao
ngôn ngữ tinh tế nhất là ngôn ngữ không được diễn đạt bằng lời nói,
hành động tinh tế nhất là hành động không thể hiện bằng việc làm
và sự biến đổi tinh tế nhất là sự biến đổi không do nỗ lực.



Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.