Con đường gặp gỡ Chúa của người con hoang đàng thời hiện đại
Con đường gặp gỡ Chúa
của người con hoang đàng thời hiện đại
Khổng Nhuận
Maranatha số 11 quả là tuyệt vời khi giới
thiệu cho độc giả một mẩu chuyện thú vị : ‘Tôi, người con hoang đàng’
của tác giả A-Ki.
Theo tôi, đây là một bài viết đáp ứng được
những tiêu chuẩn mà tác giả Duy Nhiên đã phác thảo. Có thể nói, bài viết này là
một minh họa sống động cho Linh đạo Giáo dân.
MẨU
CHUYỆN ĐỜI MÌNH
Qua bài này, tôi dễ dàng cảm nhận được mối tương
giao mật thiết giữa A-Ki với Thiên Chúa.
Tôi xin được phép dẫn chứng:
·
A-Ki ra đời dưới một ngôi
sao xấu: bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi vào đời. Càng lớn, lòng oán ghét Thiên
Chúa ngày càng chất ngất thành những núi thù và những rừng hận, đơn giản
cho vì:
Tôi không thể chấp nhận một người Cha ‘toàn
năng và yêu thương vô cùng’ lại đối xử với tôi một cách bất công như thế,
và tôi oán hận Người.
·
Cho
tới ngày thù hận chín mùi, Chúa đã mời gọi A-Ki ngay trong ngày thứ Sáu tuần
thánh bằng một tiếng kêu não ruột, thất vọng tràn bờ…
Khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa,
sao Chúa bỏ con”,
· Lập tức người con hoang A-ki rúng động tâm
can, vì A-Ki không ngờ vị Thiên Chúa mà bấy lâu nay mình nuôi ngọn lửa hận thù
rực nóng trong tim lại còn rơi vào hoàn cảnh thê thảm, khổ đau gấp ngàn lần
A-Ki:
Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: Đêm cô đơn ở
Giêtsêmani, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên núi Sọ với thập
giá, tiếng búa, mũi đinh... tất cả.
· Và cũng ngay lập tức, mối tương giao giữa
A-ki và Thiên Chúa đã trở thành mặn mà như “hai người” đã từng yêu nhau từ muôn
kiếp:
Tôi cảm thấy
Ngài là một người bạn chí thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công
như tôi, hơn tôi.
· Nhịp cầu thân tình ấy càng được vững mạnh
hơn khi A- Ki quyết định tìm hiểu thêm về Đức Giêsu bằng cách đọc Kinh Thánh
Không phải tôi
đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn chỉ đọc lại tiểu sử của một người bạn mà tôi
thấy giống mình. Nhưng khi đọc Luca về giây phút cuối cùng, tôi không còn
hiểu gì nữa. Luca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Tôi
không thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn tin
tưởng và phó thác vào Cha mình.
· Thế là ngay lúc đó, Chúa đã dùng Linh mục
ADH như ông Kha-na-ni-a khi xưa nói với Phaolô sau biến cố Damas : Chúa đã sai
tôi tới đây để anh lại thấy đuợc. Quả thật, đôi mắt tâm linh của A-ki mở ra và
A-ki đã cảm nhận đuợc những điều thật kỳ diệu về Thiên Chúa với niềm xác tín
sâu xa:
Trước mặt tôi
là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi:
xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti
tiện của tôi.
· A-Ki đã kể lại cảm nghiệm thực tế đời mình
cho chúng ta nghe. Có lẽ các nhà thần học kinh viện không thể chấp nhận nổi tư
tưởng cực kỳ lạc đạo, thậm chí rối đạo quá quắt này, các Ngài có thể kết
án A-ki một tội danh ở mức nghiêm trọng nhất: Phạm thượng và nếu ở thời
trung cổ, chắc chắn A-ki sẽ bị thiêu sống trên giàn hỏa. Nhưng tôi lại hoàn
toàn đồng cảm với A-ki vì qua câu chuyện này, A-Ki đã nhận ra khuôn mặt chân
thực của Thiên Chúa bằng chính ánh mắt tâm hồn của mình.
Bạn từng nghe
rằng Thiên Chúa là một người Cha nhân lành đang chờ đợi bạn trở về xin lỗi
người, để Người có thể mặc lấy cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc ăn mừng vì
tìm lại một đứa con hoang đàng... Sai rồi! Đấy chỉ là câu
chuyện trong dụ ngôn!
· Lời khẳng định thật quyết liệt, dứt khóat,
toát ra từ cảm nghiệm ngọt ngào và mãnh liệt về một Thiên Chúa tình yêu rất mới
và rất gần gũi thân thương như hình ảnh “Chúa quỳ xuống rửa chân cho các đầy
tớ” chứ không cao sang, thánh thiện, uy quyền, nghiêm khắc, công thẳng một cách
khắt khe như hình ảnh Thiên Chúa truyền thống. Mà tôi nghĩ chính đó mới là
Thiên Chúa đích thực trong lòng A-Ki cũng như trong lòng những người giáo dân
chúng ta - những người con yêu dấu của Ngài, do chính Ngài sinh ra (Ga 1 : 13 )
Leave a Comment