Chỉ có một Thầy, chỉ có một Cha…
Chỉ có một Thầy, chỉ có một Cha…
Mt 23,1-12
Ô ! Đúng quá. Chỉ có một
Thầy, chỉ có một Cha, chỉ có một vị lãnh đạo…
Thế sao ở trên mặt đất này
cha thầy nhan nhản… nhiều thế nhỉ ? Vâng, đó là những người cộng tác với Chúa
một tay để Nước Trời được lớn lên. Người ta có gọi người này người kia là cha
hay là thầy cũng chỉ vì lòng kính trọng, nếp sống văn hóa, lâu ngày thành quen…
Các học trò gọi người dạy dỗ mình là thầy giáo cô giáo, giúp mình nên
thân nên người, không ai thắc mắc… ; cũng vậy cha xứ thầy xứ hướng dẫn sống đời
sống đức tin…gọi cha thầy quen rồi.
Theo hướng nhìn đời sống đức
tin hay tâm linh thì chắc chắn như đinh đóng cột rằng thì là mà chỉ có một Cha,
một Thầy, một vị lãnh đạo mà thôi“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô,
nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền
lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt
16,18). Chúa dùng con người hợp tác với Chúa bằng việc hữu hình cụ thể, những
con người có xương có thịt, qua cơ cấu tổ chức quản trị (hệ thống) như thế
nhưng con người có xác tín được một Cha, một Thầy, một vị lãnh đạo trong tương
quan sống động không mới là vấn đề ? Bởi con người cứ hở ra cái là thay Cha,
thay Thầy, chiếm chỗ Cha, chỗ Thầy ra oai rồi la lối quát mắng người ta ầm ĩ cả
lên… “Họ bó
những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn
động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo
những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong
đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những
nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
Kinh nghiệm sinh hoạt trong
nếp sống cộng đoàn GG. thì người đồng hành hay thường gọi là cha linh hướng
giúp người khác với kinh nghiệm của mình, ban đầu chia sẻ những gì mình đã lãnh
nhận được, đó là khơi lên cho họ lòng tha thiết khát mong để rồi họ cần thực
hành trong cuộc sống là sống gắn bó với Chúa mỗi ngày. Đó là đời sống cầu
nguyện. Lúc đó mới nhận ra là chỉ một Cha, một Thầy, một vị lãnh đạo sẽ hướng
dẫn đời sống cụ thể chân thật nhất. Chúa sẽ soi rọi vào ngóc ngách cuộc đời mỗi
người để họ nhận biết mình, nhận biết Chúa. Ngoài Chúa ra không có cha, thầy
nào khác mà lại chăm sóc suốt đời được (cha xứ cũng chỉ mấy năm là phải đổi
thôi).
Ý nghĩa đích điểm của bài
Tin Mừng hôm nay là con người khởi đầu đến với Chúa vẫn cần phải nhờ có người
trung gian (cò) nhưng để đi sâu vào mối tương quan thắm thiết Cha con, Thầy trò
thì chỉ có một mình họ với Cha, với Thầy, mới trưởng thành đức tin lên được vì
thế nên “Phần
anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất
cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha
của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai
gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”.
Do đó, kinh nghiệm cho thấy
nếu con người cứ phải lệ thuộc nhau mãi, bám sát vào nhau hoài, không thoát ra
được thì trước sau rồi cũng sẽ rối như mớ bòng bong… “Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ
lăn cù xuống hố” (Mt 15,14). Vậy điều
tối ưu quan trọng là giúp nhau đến gặp gỡ Đức Kitô. Chính Ngài là Thầy là căn
nguyên khởi đầu bước vào ngôi nhà gia đình Thiên Chúa, sẽ tràn ngập ánh sáng và
niềm vui cùng với đầy khám phá ‘kinh ngạc chưa !’. “Trong anh em, người làm lớn
hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai
hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.
Nói theo kiểu thế gian là
con người đã là “sản phẩm” độc quyền của Chúa chưa ? Con người với nhau giúp đỡ
nhau bao nhiêu có thể, theo cách thức đường lối của Thiên Chúa và có khi chỉ do
kiểu cách mình bịa đặt ra. Con người đã không muốn Chúa “độc quyền” trên mình
lại còn vẽ ra đường lối đề nghị cho Chúa theo. Quỷ dữ đã đề nghị Thầy Giêsu khi
Thầy ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày trong hoang địa với những phương pháp
đường lối dễ dãi của hắn, rồi sau đó hắn len lỏi vào nội bộ tông đồ và cuối cùng
khi Thầy Giêsu bị treo trên thập giá thì hắn lợi dụng những con người “say máu”
đó nói lên đầy những lời nhục mạ và thách thức.
Trái lại Thiên Chúa có là
“độc quyền” của mỗi chúng tôi chưa ?
Khơi gợi như thế là để mỗi
người trong chúng ta hiểu ra ý nghĩa tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay là
không gọi ai trên mặt đất này là cha thầy.
Chúa chẳng ghen tức gì với
cha thầy ở trần gian nhưng muốn mọi người xếp đặt cho đúng chỗ, thế thôi.
OTC
Leave a Comment