Ở lại để chứng kiến và chiêm ngắm




Ở lại  để chứng kiến và chiêm ngắm
Ga 19,31-37

Chia sẻ vui vẻ
– Trong một giáo xứ nọ, đặt tượng chịu nạn mới toanh vào chính giữa cung thánh. Giáo dân chia làm hai phe cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì thằng quân dữ đâm nhát đòng ở bên phải hay bên trái Chúa Giêsu ?

Đến cỡ phải đi hỏi các chuyên gia kinh thánh, thần học mà cũng không thỏa mãn họ được. Cha xứ kêu họ tới, đặt trước mặt họ ảnh và tượng trái tim, anh chị em nhìn ảnh tượng Chúa đi,
xin hỏi trái tim Chúa ở đâu ?
Thưa là ở chính giữa. Vậy thì đâm bên phải hay bên trái đều “dính” hết, không sai chạy đi đâu được. Quá đúng, xin giải tán, và ai về nhà nấy…
– Người Việt Nam chúng ta vẫn nói đến lòng hơn là trái tim.
Đau lòng, nản lòng, mất lòng, buồn lòng, lòng đau như cắt, lòng gang dạ thép, lòng son dạ sắt, lòng tham không đáy…
Chúng ta có bài hát Lòng mẹ bao la như biển chứ đâu có trái tim mẹ bao la đâu.
Món gì hay chuyện gì mà có lòng thì vẫn ngon hơn. Giúp đỡ người khác với cả tấm lòng thành thì thật đáng trân trọng.
Sống với nhau bằng tấm lòng ngay thật thì quý trọng biết là dường nào. Vậy sống với tha nhân hay sống với làng xóm, sống tình huynh đệ mà có tí “lòng” vào đó là “ngon” ngay.
Con người cư xử với nhau vẫn thiếu chút lòng hay lòng ngắn quá đấy !

Chia sẻ tâm tình
– Trái tim bị đâm thủng bằng một nhát giáo đã trở thành cái miệng để nói lời yêu thương cho con người. Nhiều người Kitô hữu vẫn thường nói Chúa thiêng liêng nên chẳng nói lời nào, Ngài vẫn cứ lặng thinh và nếu Ngài có nói thì tai con người chúng tôi cũng chẳng nghe thấy gì. Sự thật, Chúa không phải là người cha bị câm, Chúa vẫn nói những lời ngọt ngào cho con cái của Ngài nhưng con người không nghe được vì con người vẫn chưa thinh lặng đủ để nghe.
Cho dù ngồi trong góc nhà nguyện kín đáo, có bầu khí thinh lặng đấy nhưng lòng vẫn rộn lên như cái chợ thì nào có nghe được gì.
Bên ngoài không tiếng động nhưng trong đầu óc bao cuốn phim vẫn cứ chiếu hết chuyện này đến chuyện khác.
Vậy cần có sự kiên nhẫn trung thành trong thinh lặng mỗi ngày để nghe thấy bằng chính đôi tai tình yêu.
– Trái tim bị đâm thủng bằng một nhát giáo đã trở thành cái thành giếng để ông Gioan đến ngồi đó mà chiêm ngắm, suy niệm, cảm nghiệm cả đời và viết thành cuốn Tin Mừng cũng không thế nào mà diễn tả ra hết được 
“Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ : cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25).
Vậy những ai đã người ngồi lỳ ra đó mà chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu thì cũng có khả năng để chiêm ngắm người chung quanh. Khi đó luôn có cái nhìn tích cực và những vẻ đẹp diễn ra ngay trước mặt.
Cứ thử xem, một người đang sửng cồ quát tháo chửi bới mình, mặt họ đỏ gay, nghiến răng nghiến lợi, nói nhanh quá đến bắn cả nước bọt ra…chiêm ngắm họ xem có đẹp không ? Ô ! thật quá đẹp và còn dễ thương nữa !
– Trái tim bị đâm thủng bằng một nhát giáo đã trở thành giòng suối nước mát trong lành 
“Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38).
Chúa Cha là nguồn đã tuôn đổ xuống Chúa Con và Chúa Con cho tản chảy trong cuộc đời mỗi con người. Cuộc đời này thường nóng nảy, chất chứa bao bụi bẩn, đầy những rác rưởi bên trong đã làm cho lòng con người ra ô uế (Mc 7,15) nên cần được Chúa tẩy rửa cho mỗi ngày, với điều kiện con người cần dành thời gian cho Chúa để Ngài thực hiện 
“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (Ga 15,9)
Có như thế anh em mới sinh nhiều hoa trái. Ai khát hãy đến mà uống…

Tắt một lời : Chứng nhân là người trực tiếp chứng kiến biến cố đã xảy ra, rồi nói về biến cố đó và rút ra ý nghĩa thâm sâu.
Vậy người Kitô hữu có giờ “ở lại” để chứng kiến và chiêm ngắm biến cố trái tim bị đâm thủng không ?
 OTC

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.