Mỗi bài học đều có cái giá của nó !




Mỗi bài học đều có cái giá của nó !

                            
Mong manh

Cả một con đường dài trong đời tu là thấy mình dốt nát, vất vả trên đường học vấn, tủi buồn trong giới hạn kiến thức hiểu biết, nhát sợ mặc cảm, bất tài lại còn ngô ngố... rừng nữa.

Lớn lên biết suy nghĩ một chút thì lòng luôn bảo dạ, nghĩa là luôn tự nhủ mình rằng : phải gồng mình cố gắng học biết một món nghề chuyên môn nào đó chứ không thể để cho đời mình ra vô nghĩa như vậy được.
Năm năm liền nghiền gẫm máy móc điện tử, và tiếp theo là mười năm miệt mài đàn nhạc hát ca, tưởng là ngon cơm, tưởng là làm nên trò trống nhưng tất cả cũng chẳng cảm thấy lấp đầy được cái hố sâu thăm thẳm đêm tối trong lòng.
Lại buông bỏ tất cả, chẳng còn biết bám víu vào cái gì nữa.
Từ đó, ngày ngày vào ngồi sát bên chân Chúa Giêsu Thánh Thể, thế là bỗng dưng cứ thấy lòng mình ấm lại, cứ thấy chiều sâu được lấp đầy, cảm nhận được sự bình an thanh thản, thấy mình cứng cáp vững vàng tự tin hơn và niềm vui hạnh phúc rõ dần ra...
 Mọi chuyện trong người thấy từ từ thay đổi, tính tình dịu lại, điềm tĩnh hơn, chậm hơn, có nghị lực hơn.
Từ đó hiểu được tâm tình những lời kinh thánh vịnh, biết đang đọc tâm tình gì và đang thưa gửi với ai ;
Thánh lễ thấy gần gũi hơn, hạnh phúc vì được đụng chạm đến Thánh Thể Ngài mỗi buổi sáng.
Những khi viếng Thánh Thể xong ra ngoài có bị chọc ghẹo hay bị nói kháy vẫn tỉnh bơ được, không nghĩ ngợi buồn phiền vì nhận thấy điều mình làm là chân thật, có niềm vui bình an hạnh phúc thật, chứ có phải là đóng kịch lấy điểm với ai đâu, chứ có phải là ngẫu hứng đâu... (thời còn là thầy già đấy mà !).
Mỗi bài học đều có cái giá của nó.
Một lần đang đồng bàn trong bữa ăn sáng với người anh em. Hân hoan tưng bừng đơn sơ thật thà chia sẻ về cảm nghiệm của mình thì tự nhiên người anh em nổi cáu lên, rồi nói những lời xúc phạm thâm tím cả ruột gan.
Đau khổ buồn phiền ẩn ức nghĩ ngợi, quyết chí không bao giờ thèm nói chuyện hay vô phòng người anh em đó nữa...
Một ngày im lặng âm thầm lặng lẽ trong bầu khí của một Đan Viện thế mà cũng không sao nguôi ngoai đi được, không lắng dịu lại được, không tìm lại được sự bình an.
Tối về vẫn cái tâm trạng khốn khổ ấy không sao ngủ được nên phải dùng đến viên thuốc an thần.
Sáng ra vừa nhổm dậy lại nghĩ ngay đến câu chuyện hôm qua mà lòng nặng trĩu.
Trong thánh lễ sáng hôm đó tâm trí rối loạn nặng nề buồn bã... nhưng khi vừa rước lễ xong, tự nhiên bộc phát tâm tình nói với Chúa :
Lậy Chúa Giêsu nếu Ngài như con thì Ngài có khốn khổ không ?
và bỗng dưng trong tâm trí như có một gánh sầu nặng trĩu chất chứa rơi tòm xuống, rồi cảm thấy mình mẩy tâm trí nhẹ tênh, và mong muốn sớm nhất là tự mình sẽ đi bước trước để làm hoà với người anh em.
Và quả thật, sáng hôm đó đã vô phòng người anh em tâm sự.... với cả một tấm lòng khiêm tốn nhẹ nhàng. (một kinh nghiệm đắt giá cho cái sự phấn khởi hạnh phúc quá sức lẽ mình... cũng chỉ vì nhiều năm khao khát kiếm tìm, ở cái thời còn là thầy già đấy mà !).
Mỗi bài học đều có cái giá của nó.
Thời mới “làm thầy cả” tưởng rằng làm cha thiên hạ thì mình nói gì ai cũng nghe, sẽ thật ngon cơm.
Thế là hăng hái đi truyền đạt những tâm tình cảm nghiệm Tình Yêu tuyệt vời cho nhóm (TĐ) nhưng chẳng ngờ lại bị hầu hết những người trong nhóm phản ứng kịch liệt, chê bai...
Thế là tức mình buồn bực và hứa không bao giờ thèm giúp “chúng nó” nữa, không thèm nhìn mặt “chúng nó” nữa, mà “chúng nó” có kéo nhau đến nhà ta thì ta sẽ xua đuổi hết... như xua tà.
Chẳng ngờ đâu, khi sáng hôm sau dâng lễ Chúa Nhật (có tín hữu dự, BP) với một tâm trạng rối bời chán nản mệt mỏi, và ngay cả khi giơ cao Mình và Máu Thánh thì vẫn cứ nhớ đến những khuôn mặt thật đáng ghét cay cú chừng nào !
Nhưng khi bắt đầu xướng kinh Lậy Cha thì tự nhiên không cầm được nước mắt.
 Tín hữu dự lễ hôm đó không hiểu tại sao trời đang mây quang tạnh ráo lại có... mưa rào thế này. Nghẹn ngào xúc động đọc không ra hơi.
Chỉ vì Lậy Cha... của chúng con chứ không phải là của con, không có kẻ thù, không có loại trừ.
Một khi đã cam đảm xưng Danh Cha thì phải trả một giá đắt là phải yêu thương, phải tha thứ, phải đón nhận, chứ không phải là sự dễ dãi, đọc cho qua, đọc cho xong.
Thế đấy ! Rồi sau đó, lại đi tiếp xúc với từng người trong nhóm, lại nhẹ nhàng khiêm tốn hơn để truyền đạt điều mình đã cảm nghiệm.
Thật, mỗi bài học đều có cái giá của nó.
Từ những ngày mới “làm cụ”, tự dưng thấy vất vả khó khăn vì sau Phúc Âm, ngày nào cũng phải nói, mà nói mãi thì được cái chết gì, nói hoài thì còn gì mà nói nữa, nói cả đời có thay đổi gì đâu...
 Đây là một thứ biện hộ cho mình bởi vì mình không có tài ăn nói, mà đúng ra là có tài... ăn, chứ không có tài nói nên rất ngại phải nói. Đầu óc đặt sệt như bã đậu nên mỗi lần phải nói lại thấy ngượng ngập, câu cú luộm thuộm, chẳng đầu cũng chẳng đuôi, uốn éo mãi mới nói được một câu lại có khi phun toé cả nước bọt ra.
Trước Chúa Giêsu Thánh Thể, trong sự thinh lặng trí thức, nói năng xuôi chẩy, cứ từ từ tuồn ra, văn vẻ đâu ra đấy, bố cục gọn gàng ; nào là... Còn con thì... nấc cụt, nhất là đứng trước đám đông, y như ra trước tòa... lâu giờ, tôi trình bày với Ngài về những khó khăn gian khổ của tôi :
Chúa ơi ! tại sao con cứ phải giảng (mà dòng con là dòng giảng mới chết chứ !), con nào có được như anh em, nào là mặt mũi sáng sủa, thông minh phán xét, mọi người đều ròm... sợ đến chết đứng... ngây cả người ra, khốn khổ.
Tức thì trong thâm tâm tôi bừng sáng lên tâm tình là khi con còn biết mình cù lần thì con còn cần đến Chúa, còn khi con tự thấy mình hay rồi, “suya” rồi và được nhiều người vỗ tay tán thưởng rồi thì chắc con không còn cần đến Chúa nữa ; vả lại việc thay đổi lòng dạ người nghe là việc của Chúa, chứ đâu có phải của con. Từ hôm đó tôi chấp nhận mình...
Đúng, mỗi bài học đều có cái giá của nó.
          Có một lần dùng bữa cơm có đầy đủ bá quan văn võ (cha, thầy, sơ, chú, thím...), tôi đã hứng chí đùa giỡn gào thét, múa nhẩy, hăng tiết vịt điệu bộ như một chú gà trống mới nhớn....
Trong giờ phút thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể tôi nhận ra chuyện ngớ ngẩn của mình, vừa xấu hổ lại vừa chê ghét con người của mình. Tôi nói với Chúa :
Lậy Chúa, sao Chúa không cầm tay con lôi ra, sao Chúa không lay động lòng con lúc đó để bây giờ nghĩ lại con quê độ xấu hổ mất mặt quá sức lẽ mình thế này.
Và tôi nghe trong tâm tình : Nếu Cha có cầm tay con lôi con ra, nếu Cha có đẩy con ra thì chắc chắn là con vùng vẫy thoát ra, giật tay lại để nhào vô đùa giỡn hợm hĩnh tiếp bởi con đang hăng, đang phấn khởi, đang bốc đồng cơ mà và chỉ có những giây phút thinh lặng nhìn lại xót xa hối hận dìu dịu như thế này thì bài học mới thuộc, mới thấm thía và nhớ được lâu.
Chỉ có trong yêu thương man mác như những giây phút này thì con mới không nổi khùng lên, thật đấy !
Vâng, mỗi bài học đều có cái giá của nó.
          Mỗi lần cho rước lễ là một lần nhắc nhở mình cẩn trọng, bởi vì trao chính Chúa Giêsu Tình Yêu cho họ.
Một lần kia, có một chú bé, xếp hàng chung với người lớn nên không nhìn thấy chú trước, đến khi chú “tòi” mặt ra và giơ tay rước lễ, vừa trao Mình Thánh cho chú thì mới nhận ra mặt mũi chú lem luốc bẩn thỉu quá sức, nhất là đôi bàn tay đầy đất cát cáu bẩn. Khi đó trong thâm tâm tôi đang tính lôi cổ chú lại, bợp cho cái bạt tai để chú nhớ lần sau sạch sẽ cho phải phép…
nhưng bất chợt lòng yêu thương của Chúa trong tôi sáng lên, nhắc nhở cho tôi là Chúa còn thương nó hơn tôi thương Chúa. Tôi tính “bợp” tai nó là để tỏ ra tôi thương Chúa đấy !
Lúc đó tôi nhận ra lòng thương xót của Chúa lớn lao vô cùng, Ngài đã không dừng lại, Ngài đã không chấp nhặt nơi những giới hạn hèn kém xấu xa của con người.
Bài học của Ngài thì lớn hơn bài học của tôi khi tôi muốn dậy một thằng bé. Tình Yêu đã vượt lên trên tất cả và cái lý của Tình Yêu thì không thể giải thích được. Đức Giêsu, Ngài cũng đã lăn lộn trên đất cát bẩn thỉu này rồi mà !
Mỗi bài học đều có cái giá của nó.
Mấy tuần đi làm cha xứ thay cho người anh em cùng Dòng đang ở kinh tế mới. Trong những thánh lễ Chúa Nhật, tín hữu đi rất đông và cũng có tình trạng như bao nhà thờ khác là tín hữu thích ngồi ngoài hơn là vô nhà thờ. Khi dâng lễ, đứng trên cung thánh, nhìn xuống dưới và ngoài nhà thờ rất rõ. Tôi đã thấy một đám con trai ngồi suốt, ngay cả khi dâng Mình và Máu Thánh Chúa lên, các hắn cũng chẳng buồn đứng dậy lại còn hút thuốc, đầu đội mũ nữa chứ !
Lúc đó, cám dỗ trong tôi rất là mãnh liệt là chỉ muốn hô to trong máy để xin mọi người nhìn ra cuối nhà thờ, chứng kiến cái “thảm trạng, bi đát” của đám con các ông bà nào. Tôi sẽ ghi sổ tên tuổi vì tôi đã nói mà không nghe thì tôi sẽ có nhiều dịp để “chơi” lại các hắn. Các hắn tránh đâu khỏi cái ngày phải vào nhà xứ để khảo giáo lý hôn nhân, hoặc dâng lễ cưới, rồi mai đây lễ an táng, làm phép xác nếu các hắn có chết...
Nói cách khác tôi có nhiều dịp để “trả thù” nếu các  hắn bướng bỉnh ngang tàng mất nết như thế.
Nhưng chính trong thánh lễ đó, khi tôi nhìn kỹ vào Mình và Máu Thánh Chúa, tôi nhận ra tôi và nếu tôi làm thế thì chỉ là chuyện trẻ con.
Các hắn có sống đạo như thế thì lỗi của các hắn rất nhỏ lỗi của tôi mới là to lớn vì tôi đã không biết cách dậy dỗ chúng về đức tin, về tình yêu nên chúng chỉ tin và yêu tới chỗ đó, tức là ở ngoài nhà thờ, đội mũ và hút thuốc.
Còn nếu các hắn có một đức tin sống động, nhận ra được một tình yêu bao la nơi Chúa thì chắc chắn các hắn sẽ lên ghế hàng đầu hay có khi lên tận cung thánh đứng với tôi.
Tôi đã thấy, ngôi thánh đường : đẹp ; ngôi nhà xứ : đẹp ; tháp chuông và công viên sân nhà thờ : đẹp tuyệt vời. Những hàng cây xanh quý hiếm, những hồ nước thả cá vàng, những bông hoa rực rỡ... thật đã mắt, nhưng nếu chỉ xây dựng bằng tiền bạc được như thế mà không xây dựng được tâm hồn bằng đức tin, tình mến... cho con người thì thật đáng buồn cho một kinh tế mới vừa nghèo lại vừa khổ và khổ nhất vẫn là nghèo Tình Yêu.
Mỗi bài học đều có cái giá của nó.
.................................
Mỗi bài học đều có cái giá của nó.
Những sự kiện tôi nhớ và ghi lại là để muốn nhấn mạnh đến sự kỳ diệu tuyệt vời nơi Bí Tích Thánh Thể. Trung tâm của Tình Yêu. Là điểm hẹn. Là nơi để gặp gỡ.
Là nơi diễn ra những cuộc biến đổi. Là nơi để hàn huyên tâm sự nỗi lòng cuộc đời con người. Lớp học để sửa đổi uốn nắn lòng dạ bất nhất và để học những bài học nhớ lâu.
Trường học để đào tạo những con người khát vọng, bị thua thiệt, bị nghèo khổ, bị cô đơn, bị bỏ rơi... được lấp đầy, được bừng sáng lên, reo vui lên đường rảo khắp làng mạc phố phường loan báo Tin Vui.


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.