CHÚA LÀM NGƯỜI ĐỂ NGƯỜI LÀM CHÚA




CHÚA LÀM NGƯỜI

ĐỂ NGƯỜI LÀM CHÚA


Bài của Bác Thiện Cẩm OP.
Cháu mong manh
 xin phép cải soạn thêm bớt theo ý mình.

Irénée đã nói về Đức Kitô rằng :
"Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người".

Đó không phải là một sự thần hóa thật sự và trọn vẹn trong Con Thiên Chúa nhập thể sao?
Về sau, Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) đã làm biến đổi suy tư ấy một cách sâu xa khi quả quyết :
"Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa".
Trong bài giảng về người anh mình là Césare, Grégoire đã nói :
"Tôi phải được chôn cùng với Đức Kitô, tôi phải trở thành con Thiên Chúa, tôi phải trở thành Thiên Chúa" (Oratio 7,23).

Một vài tác giả tu đức đã nối gót theo khi bảo rằng người tín hữu nào sống đạo đều phải "đánh mất bản thân mình trong Chúa như giọt nước tan trong biển".
Nhà thần học Karl Rahner, trong bộ sách thần học của ông, " Mysterium Salutis", đã viết :
"Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa", để con người trở thành con Thiên Chúa
– với món quà tuyệt vời: “Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa..." ( 2 Pt 1, 4).

CHÚA LÀM NGƯỜI.
Lời đã làm người, và trong suốt ba mươi năm trước khi công khai loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã chỉ làm người, giống như mọi người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, và sống như mọi người.
Trong khi người Do thái chờ đợi một Đấng Kitô, mà họ nghĩ rằng phải là Đấng bí mật, khác người, “chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27), thì Đức Kitô lại đến như một người bình thường, ai cũng biết cả khi họ chỉ thấy một “bác thợ, con bà Maria, anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon” (Mc 6,3).
Vì thế Máccô nói : “Và họ vấp ngã vì Người”  (id). Vấp ngã theo nghĩa là họ lấy làm chướng, không thể chấp nhận một con người tầm thường như thế mà lại có thể là Đấng Kitô.
Phản ứng của người Do thái xưa kể cũng dễ hiểu. Thiên hạ không tự nhiên tìm đến và hoan hô, và càng không thể tin tưởng vào một người mà mình thấy quá tầm thương, lý lịch chẳng có gì vượt trội : không học hành gì (Ga 7,15), chẳng tiếng tăm, tài giỏi, cũng chẳng có địa vị hay giàu sang. Người ta kể lại rằng lần đầu tiên Thánh Gandhi được mời sang Anh Quốc, với tư cách là nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại  của An độ, Mahâtma, ông đã bị nhiều người dân Anh lấy làm chướng tai gai mắt, khi thấy ông chỉ mang vỏn vẹn một cái khố quấn ngang hông ! Một người tiếng tăm lừng lẫy như thế mà còn bị coi khinh, chỉ vì không chịu ăn mặc sang trọng, phương chi là bác thợ Giêsu ở Nadarét !
Xưa nay trong lịch sử các tôn giáo, người ta luôn luôn muốn cho các thần linh phải thật uy nghi sáng láng, cao sang vĩ đại, nên mặc cho các tượng thần những áo mão dát vàng, đính kim cương, và đặt ngự trên những ngai vàng, những toà cao, bệ thờ, với đèn hoa sáng rực… Còn các vua chúa và những người lãnh đạo các dân các nước thì phải ăn mặc sang trọng hơn người. Thậm chí đến các tộc trưởng hay tù trưởng của những bộ lạc bán  khai, cũng trang điểm cho mình những chiếc lông chim quí hiếm trên mũ đội đầu, để chứng tỏ quyền uy của mình.
Nhưng Đức Giêsu thì chỉ làm người như mọi người, không tìm cách sống khác ai. Chính Người đã nói về mình :
“Ong Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo : ‘Ong ta bị quỉ ám’. Con người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo : ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phương tội lỗi.” (Lc 7,33-34).
Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn là một người thích đi hết làng này đến làng khác, thành này đến thành nọ (x.Lc 4,43; 8,1), lang thang không có chỗ tựa đầu (x.Lc 9,58)

ĐỂ NGƯỜI LÀM CHÚA.
Chúa làm người để người làm Chúa. Đây không phải là chuyện phạm thượng hay chuyện kiêu ngạo nhưng chuyện thật của những người đã một lần hoán cải biến đổi làm đảo lộn cuộc sống để có thể âm thầm cảm nhận: 
“Không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”.
Đây là chuyện của những con người bị chiếm đoạt, bị nắm bắt (Pl 3,12) ;
chuyện của những con người có lòng tin sâu xa, của các nhà thần bí, của những con người chiêm niệm thật sự.
Đặc biệt khi ta rước Mình và Máu Đức Kitô thì Mình Máu Người tan chảy và luân lưu trong máu thịt của ta. Đến nỗi có ta thể nói được là Chúa trở nên ta, ta trở nên Chúa (hai trong một),
Nhưng vấn đề là: ta có sống như Chúa đã làm người không ?
Đấy mới là vấn đề.

NHƯ CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI

“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa. là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,13-14).
Đó là những lời rõ ràng và đầy đủ nhất cho thấy lập trường và thái độ của Đức Giêsu : Người ý thức rõ rệt mình là Chúa, là Thầy, những không xử sự như một vị Chúa hay một bậc thầy, mà lại như một người tôi tớ.
Nếu Đức Giêsu làm người, nhưng vẫn đóng vai trò Chúa và Thầy, bắt mọi người phải tôn kính, hầu hạ và vâng phục tuyệt đối, thì đó là chuyện bình thường, và sẽ chẳng có ai thắc mắc hay lên tiếng phản đối. Bởi vì như chúng ta vừa trích dẫn trên đây, Đức Giêsu nhận xét : “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. (Lc 22,25).
Ngày nay chúng ta thường xử dụng động từ “phục vụ thay thế cho động  từ “hầu hạ” : vua quan, nhà lãnh đạo “phục vụ” nhân dân, và nhân dân “phục vụ” nhà nước, phục vụ các nhà lãnh đạo. Nghe thì có vẻ dân chủ thật đấy, nhưng thực tế thì “con vua thì lại làm vua, con sãi chùa thì quét lá đa” : người đầy tớ “phục vụ” theo cung cách hầu hạ, còn người làm vua quan, làm nhà lãnh đạo thì “phục vụ” theo cung cách “chỉ tay năm ngón” !
Người đầy tớ thì nấu nướng, quét nhà, giặt ủi quần áo cho chủ ; còn chủ thì khá lắm có thể đôi khi tự nấu nướng, quét nhà, giặt ủi quần áo cho mình, nhưng không bao giờ làm những công việc ấy cho người đầy tớ !
Khi Đức Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Người đã thực sự làm công việc của người đầy tớ đối với chủ. Vậy nếu như Người đã nói với các môn đệ :
Vậy, nếu Thầy là là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,14-15),
nếu như vậy, thì không những chúng ta phải nói rằng, ngày nay, người Kitô hữu nói chung, và các người có chức vụ trong Giáo hội nói riêng phải “làm chúa” như Chúa đã làm tôi, nghĩa là hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28).
Chuyện Đức Giêsu Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế(Pl 2,6-7)
thánh Phaolô đã khẳng định gần 2000 năm rồi, không cần phải nhấn mạnh thêm.
Ngày nay, trong thời đại dân chủ, có lẽ Chúa cũng chẳng đòi hỏi chúng ta phải làm nô lệ để hầu hạ ai, nhưng điều chắc chắn, là Người không thể chấp nhận thái độ quan liêu phong kiến, cung cách thống trị như vua chúa của những người trong Giáo hội.
Nói thế không có nghĩa là Người muốn dẹp bỏ quyền bính, và muốn cho Giáo hội của Người thành một nhóm người sống vô tổ chức. Trái lại, chính Người đã lập ra Hội Thánh, và trao quyền lãnh đạo Hội Thánh của Người cho ông Phêrô (x.Mt 16.18-19),
chỉ khác có một điều, là Người xác định rõ cách thức mà các môn đệ phải thi hành quyền bính, đó là phải hầu hạ mọi người :
kẻ làm đầu phải hầu thiên hạ (x. Mc 9, 235; Lc 22,25-27).
Đức Giêsu không thay đổi những mối tương quan gia đình, xã hội; Người cũng không chủ trương xoá bỏ mọi trật tự thiên nhiên và bình thường trong xã hội, cho nên cha mẹ vẫn là cha mẹ, con cái vẫn là con cái; vua vẫn là vua, người lãnh đạo vẫn là người lãnh đạo, và người dân vẫn là dân, không có chuyện thay ngôi đổi chủ, chỉ khác một điều là cha mẹ không nên lấy quyền, mà thống trị con cái, nhưng là lấy tình thương mà phục vụ chúng.
Lời thánh Phêrô nhắn nhủ các bậc kỳ mục có thể áp dụng cho tất cả những ai làm cha làm mẹ, hay người lãnh đạo : “Đừng lấy quyến mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1 Pr 5,3).
Thánh Phaolô còn lấy tinh thần của Chúa Kitô mà biến đổi cả bản chất của mối tương quan giữa ông chủ và người nô lệ, khi gửi trả lại Onêximô cho Philêmôn, với những lời dặn dò : “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.” (Plm 15-17).
Đáng lẽ Phaolô phải nói : “Xin anh đón nhận anh ấy như đón nhận chính Chúa Kitô” ! Điều tuyệt vời trong cái nhìn Kitô giáo là ở chỗ ấy : trong Chúa Kitô, không còn có Do thái hay Hy lạp, chủ, tớ, kẻ thống trị với người bị trị, mà chỉ còn là những người anh em (x.Gl 3,28), và mọi  người đón nhận và yêu thương nhau như đón nhận và yêu thương chính Chúa Kitô.

   NHƯNG CON NGƯỜI LẠI BẮT CHÚA PHẢI GIỐNG NHƯ MÌNH.

Kể từ khi con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x.St 1,27), thì sau đó, qua mọi thời và mọi nơi, qua mọi tôn giáo, con người không ngừng nắn đúc, tạc, đẽo hay vẽ Thiên Chúa giống hình ảnh của chính mình !
Trong Cựu ước, ngay trong những câu chuyện như Cain và Abel (St 4,1 tt), người ta đã tả Thiên Chúa y như một con người với đầy đủ thất tình lục dục:
Thiên Chúa là một Đấng bất công, vì thích thịt mỡ nên đoái nhận của lễ Abel dâng tiến, mà chê  không nhận của lễ Cain dâng, là hoa màu ruộng đất ! Cain làm ruộng thì chỉ có thể dâng những gì do tay mình làm ra, anh ta có làm điều gì mất lòng Chúa đâu !
Trong truyện hồng thủy (St 6-8), chúng ta đọc thấy Thiên Chúa hối hận vì đã dựng nên con người, trong khi mà trong chương 1, câu 31 nói : Thiên Chúa thấy mọi sự người đã dựng nên là rất tốt đẹp, và đặc biệt là Người đã chúc phúc cho con người (x.St 1,28).
Vậy mà rồi Thiên Chúa đã giận dữ tiêu diệt cả loài người, nhưng sau đó, chỉ vì ngửi thấy mùi thơm ngon của thịt mỡ ông Nôê dâng lên, lại hứa không bao giờ làm lại điều vừa mới làm, là tiêu diệt mọi sinh vật (St 8,21). Hoá ra Thiên Chúa chẳng phải đã trở nên bất nhất, hơi tí thì giận dỗi, nhưng cũng rất thay lòng đổi dạ chỉ vì chút thịt mỡ dâng lên ?
Mà thử hỏi Thiên Chúa sao lại có thể ăn hay ngửi được mùi thịt mỡ ?
Chẳng qua là con người đã suy bụng ta ra bụng Chúa đó thôi.
Thay vì cố gắng làm sao phản ánh được hình ảnh Thiên Chúa, con người lại không ngừng bắt Thiên Chúa phải giống như mình, nghĩa là những đặc tính xấu xa, như giận dỗi, thiên vị, độc ác, tham ăn vv, !
Trên lý thuyết, thì đa số người Công giáo chúng ta đều biết rằng Cựu ước chỉ là hình bóng của Tân ước, do đó hình ảnh Thiên Chúa được tả trong đó không đương nhiên trung thực so với Thiên Chúa là Cha, mà Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta. Tuy nhiên, có khi vì lười biếng không chịu suy nghĩ, hay vì thói quen, chúng ta thường đồng hoá dễ dàng mọi hình ảnh Thiên Chúa của Cựu ước với Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu. Vì thế chúng ta có thể “vô tư” cầu nguyện với những câu Thánh vịnh như :
“Lạy Chúa,
xin nhớ lại ngày Giêrusalem thất thủ,
để trừng phạt con cái Ê-đom.
Ngày ấy chúng reo hò ;
Phá nó đi, cho bình địa.”
Gái Babylon hỡi, đồ trời tru đất diệt !
Phúc thay người xử với mi
Như mi đã xử với ta !
Phúc thay người bắt những con thơ của mi
Mà đem đập đầu vào đá.” (Tv 136,7-9)
Những câu Thánh vịnh tương tự như vậy vẫn còn được đọc trong Phụng vụ mãi cho đến Công đồng Vaticanô II, sau đó mới bị cắt bỏ. Hồi còn là chủng sinh, tôi thắc mắc hỏi các đấng rằng : Chúa dạy chúng ta phải yêu thương tha thứ cho kẻ thù, thế tại sao Giáo hội  lại nguyền rủa quân thù một cách độc ác như vậy ?
Có đấng giải thích cho tôi rằng đó không phải là lời của Giáo hội, nhưng là Đức Giêsu nguyền rủa quân thù !
Lời giải thích càng làm cho tôi thắc mắc thêm, vì Đức Giêsu có coi ai là thù địch bao giờ ?
Còn như ngay cả hiện tại, sau khi đã cắt bỏ những câu Kinh Thánh có tính phản Kitô giáo, chúng ta vẫn còn đọc được trong Phụng vụ những câu rơi rớt còn sót lại, mà nếu đặt vào trong bối cảnh của Tin Mừng, thì khó có thể chấp nhận, chẳng hạn như chúng ta đọc trong Thánh vịnh 135,10:
“Người sát hại các con đầu lòng của Ai cập.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
Quả thật, nếu là dân Do thái, thì lời cầu nguyện đó rất “hợp tình hợp lý”, rất chính thống vì phù hợp với quan niệm về Thiên Chúa của họ, bởi vì Thiên Chúa của Cựu ước vốn là một Thiên Chúa thiên vị, chỉ chọn có một mình dân Do thái, phù trì, bênh đỡ một mình họ, mà ghét bỏ, loại trừ các dân khác.
Thiên Chúa của người Do thái Cựu ước là Thiên Chúa phục thù báo oán, nên họ mới cầu xin Chúa : “Lạy Chúa, kẻ láng giềng chúng con đã lăng nhục Chúa, xin trả báo cho bản thân chúng đến bảy lần.” (Tv 78,12),
không những thế, họ còn cầu xin Chúa khai trừ khỏi dương gian hết mọi thù địch của họ (Tv 16,14), phanh thây chúng làm mồi cho muông sói (Tv 62,11)…

Nhưng Thiên Chúa của Đức Giêsu không giống như Thiên Chúa thời Cựu Ước.
Người là Cha nhân từ (x.Lc 6,36), vì thế Người yêu thương tất cả mọi người, và “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 6,45).
Khi so sánh đoạn sách ngôn sứ Isaia  (61,1-2) mà Đức Giêsu trích dẫn, trong Tin Mừng của Luca (4.18-19), chúng ta để ý thấy Đức Giêsu ngừng ở câu :
“công bố một năm hồng ân của Đức Chúa,
trong khi đó, nguyên văn Is 61, 2 còn thêm câu: một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta.”
Cái nhìn phổ cập, nếu có, của một ngôn sứ như Isaia, thì cũng vẫn còn là về một thế giới được qui tụ về đền thờ trên núi thánh Giêrusalem, bởi vì chính “từ Xion, thánh luật ban xuống, từ Giêrusalem, lời Chúa phán truyền.” (Is 2,3), chính tại Giêrusalem mà Thiên Chúa sẽ “đứng làm trọng tại giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc.” (2,4).
Còn đối với Đức Giêsu, thì Thiên Chúa không còn là Đấng bị đóng khung trong đền thờ hay trên núi Xion :
Người là Thiên Chúa của mọi dân mọi nước, chứ không còn của riêng  một dân tộc nào, cho dù là Israel. Vì thế, người ta không còn phải đến Garizim hay Giêrusalem để thờ phượng Người, mà là thờ phượng Người “trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-23),
và bàn tiệc cánh chung sẽ được mở ra để thết đãi mọi người, không phải trên núi Xion, mà cho cả những kẻ lang thang ở ngã ba ngã tư đường phố, bất cứ nơi nào, thậm chí bất luận tốt xấu”, miễn là họ biết ứng xử hợp thời, là khoác trên mình bộ áo cưới (x. Mt 22,1 tt).
Thiên Chúa của Đức Giêsu cũng không phải là Thiên Chúa đành hanh, độc đoán “đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên”, “bắt phải nghèo và cho giầu có”, “hạ xuống thấp” rồi cũng “nhấc lên cao” (1Sm 2,6-7),
mà chính Người đã sai Con của Người đến “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8) để nâng mọi kẻ sa ngã lên, và lôi kéo mọi người đến với mình (Ga 12,32).
Thiên Chúa của Đức Giêsu chỉ có thể là Thiên Chúa Cứu Độ, “bởi, Chúa luôn từ ái một niềm ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” (Tv 129,7), và Danh Người cho đến muôn đời vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8.16) : một tình yêu đi tới tận cùng (x.Ga 13,1) là hy sinh tính mạng vì bạn hữu (Ga 15,13), và hy sinh để họ “được sống dồi dào” (x.Ga 10,10).
Theo tôi nghĩ, có lẽ vì ảnh hưởng những câu kinh của Cựu ước còn sót lại khá nhiều trong Phụng vụ, đại loại như vừa trích dẫn trên đây, mà thực chất có tính “phản Kitô giáo”, nghĩa là trái ngược hẳn với tinh thần Chúa Kitô, nên nhiều người Kitô hữu vẫn đồng hoá một cách đơn thuần Thiên Chúa Cha mà Đức Giêsu mặc khải, với Thiên Chúa của người Do thái, và do đó, coi Thiên Chúa là Thiên Chúa riêng của mình, Thiên Chúa mà người Kitô hữu độc quyền chiếm hữu, và cậy vào Người để tự cao tự đại, tìm mọi cách, nếu không phải là tiêu diệt, thì ít ra cũng loại trừ các “dân ngoại”, và tìm cách khuất phục để thống trị họ.
Gioan Tẩy Giả vẫn còn hù dọa : Rìu đã kề gốc cây, gạo thóc nằm trên nia sàng sẩy, cá đã nằm trên thớt... có mà chạy đàng trời !
Các ông tông đồ đã xin lửa thiêu đốt dân làng không chịu đón tiếp ; các ông muốn được ngồi bên tả bên hữu để cai trị, và tranh dành vị trí thấp cao. Trước khi Đức Giêsu về trời, đến lúc này mà các ông còn hỏi : Thầy khôi phục nước Itraen ?
Nhưng Đức Giêsu thì lại tuyên bố rõ ràng là : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28),
và trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Người còn căn dặn các ông : “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền  thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.” (Lc 22,25-26).
Cung cách sống và xử sự của Giáo hội phương Tây ở thời Trung cổ, và thái độ của khá nhiều người Kitô hữu, đặc biệt là của hàng giáo sĩ ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay, nhất là tại những nước nghèo, cho thấy dấu vết quan liêu phong kiến vẫn chưa phải là đã bị loại trừ.
Hình như vẫn không thiếu những người Kitô hữu đơn sơ cho rằng Giáo hội chỉ có thể diễn tả mầu nhiệm vinh quang Thiên Chúa và quyền năng của Người, bằng chính chính vinh quang, mà cụ thể là sự giàu sang  của Giáo hội, và bày tỏ quyền năng Thiên Chúa bằng uy quyền của Giáo hội, mà cụ thể là quyền bính của hàng giáo sĩ !
Điều đó chứng tỏ rằng nhiều người Kitô hữu, nhất là những người có chức quyền, vẫn thích “làm chúa” theo nghĩa thế gian, chứ không theo gương, và theo đòi hỏi của Đức Giêsu, nghĩa làm “làm chúa” như Chúa đã làm người.

KẾT LUẬN

Khi làm người, Chúa trở nên đồng hàng với nhân loại, và như vậy là cho con người được nên ngang hàng với mình. Nói cách khác, Chúa làm người để người làm chúa.
Làm chúa có nghĩa là làm chủ chính bản thân mình, không phải làm nô lệ cho bất cứ ai, cho dù là nô lệ của Thiên Chúa, bởi vì Đức Giêsu đến trần gian chính là  để giải phóng và đem lại tự do cho con người (x.Ga 8,32-36).
Vì thế con người, trong cái nhìn Kitô giáo, không phải là kẻ vong thân, đánh mất chính mình, hoàn toàn nô lệ cho thần thánh, cho Thượng Đế.
Con người Kitô hữu trước hêt là một con người tự do, bởi vì được trở nên con cái Thiên Chúa, đồng dạng đồng hình với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người.
Với tư cách Con Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu đã sống kết hiệp với Chúa Cha: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình”. (Ga 14:10)
Đến nỗi Đức Giêsu đã khẳng định: Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:30)
Cũng với tư cách Con Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta tới cùng và phục vụ chúng ta như một người đầy tớ.
Thế thì chúng ta muốn là “người làm Chúa” thì chỉ còn cách sống như Đức Giêsu đã sống:
Kết hiệp nên một với Chúa
yêu thương phục vụ anh em như Đức Giêsu, anh Cả của một đàn em đông đúc.


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.