Nghỉ ngơi đôi chút




Nghỉ ngơi đôi chút
Mc 6,30-34

 “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”.

– Đây là một hình ảnh rất đẹp cho đời sống tập thể, đời sống cộng đoàn, đời sống huynh đệ.
Với kinh nghiệm quý báu của anh em chúng tôi ở một nhóm nhỏ (có mấy anh em tu trì với nhau).
Chúng tôi có đi đâu, làm việc gì với ai với nhóm nào, khua môi múa mỏ những gì thì những lúc sum họp nơi bàn ăn hay buổi sáng cafê càfáo với nhau đều là dốc sạch ra cho nhau nghe. Chẳng giấu giếm nhau chuyện gì cho dù cả chuyện tình cảm riêng tư cũng trút bầu tâm sự ra hết cho nên mọi chuyện thành của chung và đã công khai ra rồi thì trở thành chuyện vui buồn chung của nhau, lắng nghe và đón nhận nhau nên không còn có gì là trầm trọng hay tình cảm cũng không đi quá xa được.
Một giai đoạn anh em sống huynh đệ quá đẹp trở thành một dấu ấn trong đời khó phai. (chuyện cô cổ dài, cô L. chùi, cô bán nồi niêu soong chảo… ).
– Ngày hôm nay khó có thể tìm được một nhóm hay một cộng đoàn nào huynh đệ như vậy. Đi đâu về, làm việc gì, nói năng gì đều lủi thủi một mình hay có khi giấu giếm thật kỹ, chẳng giám mở miệng hé môi vì sợ người chung quanh cười, chê, chọc quê, phê bình…
Đúng là cái thời không có gì qúy hơn độc lập tự do, việc ai người nấy làm, chuyện ai người nấy giữ, linh hồn ai người nấy lo, thành công hay thất bại người nấy chịu trách nhiệm, khép kín cửa sổ tâm hồn cho an thân…
Nhất là thời đại văn minh kỹ thuật tiến bộ cực… kỳ nơi những con alô yêu quý. Ngồi chung với nhau nhưng không cần nhìn nhau, không cần nói với nhau, không cần biết nhau nhưng đôi mắt mỗi người cứ dán chặt vào màn hình và rồi cứ thế là quẹt, là vuốt, là khẩy ngón tay… Thế đấy !
– Ngày nay cũng có nhóm hay cộng đoàn ngồi chung với nhau quanh bàn cơm, bàn nước và cũng có người kể lể chuyện này chuyện kia nhưng hầu như kể lể ra là để khoe cái tôi trương phình của mình. Đề cao mình đã làm được việc này chuyện nọ thành công mỹ mãn, quá lòng mong ướcvà làm cho nhiều người khác vỗ tay khen ngợi nể phục… người ngồi bên nghe mà “rát” cả tai.
“Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.
Đời sống cộng đoàn, nhóm, tập thể… để Thầy trò lánh riêng ra là việc rất cần thiết. Hình ảnh Thầy trò xúm xít bên nhau là hình ảnh tuyệt vời, tất đẹp là những giờ dành riêng cho nhau, đi vào lòng nhau, liên lụy với nhau, đón nhận khuyết điểm của nhau, cảm thương nhau.
Chuyện này chẳng thể tự nhiên mà có được đâu, rất khó, chẳng phải ngày một ngày hai mà thực hiện được. Cả một giai đoạn đường dài, nhất là có những con người sống đời nội tâm dần dần hình thành nên một cộng đoàn hiệp nhất, cộng đoàn hiệp thông với nhau, cộng đooàn huynh đệ… biết đón nhận cả bản thân của nhau với những cái tốt và cả những cái xấu của nhau nữa.
Cộng đoàn huynh đệ không phải là một tập thể con người trong một xí nghiệp, ai nấy phải chu toàn hoàn tất công việc của mình, đầy đủ chính xác nếu không thì giám đốc đuổi, xé hợp đồng là hết là xong ngay.
Cũng không phải những con người cùng sở thích với nhau như một nhóm đồng “sở thú” nuôi chim cò cá kiểng… lúc nào không còn thích thú nữa thì bỏ, không cần gặp nhau nữa.
Ông Phêrô tính tình nóng nảy, bộp chộp, nhanh nhẩu đoảng, hay hớt tay trên… nhưng con người này vẫn có cái duyên riêng, vẫn có tấm lòng với anh em, vẫn trung thành với Thầy, không giận dỗi, không bỏ đi… bởi nếu ông bỏ đi thì Thầy không còn tảng đá để Thầy xây dựng Hội Thánh của Thầy.
Thầy xây dựng hội thánh của Thầy trên những con người cù lần nhưng lại có lòng thành như thế đấy.
Vậy thì đời sống huynh đệ khác xa với đời sống chung.
Đời sống chung thì phải thiết lập tôn ti trật tự, luật lệ nghiêm túc có khi phải nghiêm khắc, có trước có sau, có trên có dưới…
Do đó, đời sống huynh đệ cần phải lánh riêng ra một chỗ riêng tư (thanh vắng), giờ dành cho nhau, để mà nghỉ ngơi, ăn uống, tâm sự, hiểu biết lẫn nhau, nhất là biết được lịch sử đời nhau.
Có được sinh hoạt như thế thì mới chấp nhận hay đúng hơn là đón nhận nhau, giúp đỡ và bổ túc cho nhau những điểm yếu của nhau làm thành cộng đoàn hiệp nhất và bình an.

“đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.
Chúng ta nể phục Thầy Giêsu vì không phải vì công việc tối mặt mũi mà Thầy bỏ quên đời sống cộng đoàn huynh đệ.
Bởi nếu không có điểm dừng, dành giờ cho nhau thì cộng đoàn chỉ toàn là những công việc và những công việc, lòng thương xót việc làm trở nên máy móc, vô hồn rồi đưa đến chỗ là la lối gào hét mắng mỏ người ta “Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa”.

“đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.
Chính khi có giờ dành cho nhau rồi thì các ông mới nhìn ra bên ngoài thấy những con người chung quanh mà chạnh lòng thương.
Từ đó, các ông có sức mà đẩy đi một đà lao mới“Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.
Cuối cùng mỗi nhóm, mỗi miền, và cộng đoàn của tất cả chúng ta (những người đọc bài này) có lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” không ?
ÔTC

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.