Thần khí … Xác thịt
Thần khí … Xác thịt
Ga 6,51.60-69 ; Cv 9,31-42
“chứ xác thịt chẳng có ích gì”
Đúng là “xác thịt” chẳng có ích gì, có nghĩa
là cái nhìn, cái nghe, cái nghĩ suy… rất hạn hẹp. Bởi cái nhìn của người chỉ
thấy cái bên ngoài và cân đo đong đếm hay đánh giá theo cái thấy cái vỏ, rất ít
khi đúng.
Vì thế : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?”.
Quá đúng, tâm trí loài người nghe thế nào thì nghĩ thế vậy, không
thể khác được, không thể xa hơn được, không thể sâu hơn được.
“Tại hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đã nói : “Tôi là bánh hằng
sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban
tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Thế là đánh bài chuồn : “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui,
không còn đi theo Người nữa”. Loài người chúng tôi, con cháu E-và là vậy
đấy !
Ngày hôm nay cũng vẫn là con cháu E-và, chỉ
thấy cái đói khát nơi “xác thịt” (thân xác) là rõ nhất. Nhà nghèo, đói khát quá
vẫn có quyền ăn vụng ăn trộm (chôm chỉa) mà không mắc tội cơ mà !
Nhưng còn nghèo nàn đói lả tâm linh thì khó mà thấy mà biết nên
con người thường lo cho phần xác hơn là phần linh hồn.
Lo phần xác nhiều quá sẽ kéo theo phần hồn (thường là hướng chiều
đi xuống).
Ngược lại, lo phần hồn (thiêng liêng) sẽ nâng thân xác lên (bay
lên) khung trời mở rộng, bay xa bay cao…
Vậy là xưa và nay cũng chẳng khác nhau bao
nhiêu !
“Thần khí mới làm cho sống”
Thần khí và sự sống là cái bên trong. Nhìn vào
cái bên trong giúp cho người ta nhìn thấu đáo hơn, tinh tế hơn, tỉ mỉ hơn, chi
tiết hơn, cảm thông hơn.
Cái thần khí của con người (thân xác, linh hồn và thần khí) là nơi
để tiếp xúc với Chúa, đón Chúa vào trong để chính Chúa mới là sự sống cho con
người ấy.
“Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”.
“Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai : “Cả anh em
nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?”
Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con
biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng
con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên
Chúa”.
Ông Phêrô liền đáp, liền đáp vì ông thuộc loại
nhanh mồm nhanh miệng và ông Gioan rất kính trọng ông Phêrô vì ông là tông đồ
trưởng nên lời đáp của ông Phêrô thật tuyệt vời. (nói nhỏ : nặng lời với ông
Giuđa Ítcariốt lắm “Thế mà một trong anh em lại là quỷ dữ !”)
Đức Tin là ân ban Chúa tặng trao cho con người
một cách nhưng-không (vô điều kiện). Cái từ bên trong con người đó để con người
giao tiếp gặp gỡ Chúa hằng ngày và làm cho con người có sự sống.
Sự sống đây chính bởi Chúa sẽ giúp cho con người can đảm vượt qua
được những âu lo sợ hãi ; giúp con người đứng vững khi gặp những thử thách đau
thương và nếu có ngã thì ngã trong vòng tay yêu thương của Chúa. Bừng lên sức
sống mới trong một trời mới đất mới.
“Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô
chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy.”; “Bà Ta-bi-tha, hãy đứng
dậy !”. (Cv 9: 34, 40)
Bài đọc một sách Công vụ Tông đồ nghe chuyện
ông Phêrô hấp dẫn thật. Ông đã thực hiện hai phép lạ cả thể để rồi cả thành đều
tin vào Chúa.
Ngày nay có phép lạ thì đổ xô đến xem cho thỏa tính tò mò rồi đâu
lại hoàn đấy !
Có điều là cuộc sống của tôi có trở nên phép lạ cho nhiều người
tin vào Chúa không ?
Những việc làm hằng ngày có giúp được ai tin vào Chúa không ?
Những lời nói có hấp dẫn lôi cuốn người khác trở về với Chúa không
?
Những ứng xử hằng ngày với tha nhân có giúp họ nhận ra có Chúa ở
trong tôi không ?
Chà ! bao nhiêu câu hỏi làm cho chóng mặt đấy !
Xin Chúa Cha ban ơn ấy cho chúng con. Ô, “ơn
ấy” là gì nhỉ ? “Vì thế, Thầy đã bảo anh em : không ai đến với Thầy
được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”
OTC
Leave a Comment