Xin được sống…
Xin được sống…
MONG MANH
Đó là tiếng kêu gào của những con người muốn
được sống, muốn có sự sống chân thật, muốn nếm cảm cho biết Chúa ngọt ngào
ngay từ hôm nay.
Thực tập sống chiêm niệm, hay con đường đi vào chiêm niệm,
không phải chỉ có lý thuyết suông hay chỉ có ý niệm mơ hồ mà cần phải sống
nữa.
Thực tập bằng cuộc sống của mình tức là bước vào, là
nhập cuộc, tùy theo mỗi hoàn cảnh, mỗi nhu cầu và theo thiện chí của mỗi người.
Điều quan trọng là có người hướng dẫn đưa vào cuộc sống,
có người tạo cơ hội cho môi trường sống, có người nâng đỡ lúc chán nản muốn
buông bỏ…
Được nghe được đọc được học lý thuyết để rồi tự mình
bước vào đời nội tâm cũng không phải chuyện dễ.
Lý thuyết ở trường lớp, người nói người nghe, lý thuyết
ở trong nhà thờ người giảng người nghe, lý thuyết ở các phòng học giáo lý người
dậy người học, lý thuyết ở sách vở dầy cộm vẫn thấy xa vời vợi…
Lý thuyết nó khơi gợi lên những khát vọng thâm sâu,
làm cho ước muốn đi tìm cuộc sống đích thực.
Lý thuyết mà chỉ nói luân lý khuyên răn bảo ban làm
lành tránh dữ và toàn là do sức cố gắng bên ngoài của con người thì chưa thể
lấp đầy cõi lòng, chưa thỏa mãn được cuộc sống thực tế nên người ta còn muốn đi
tìm cái gì đó chân thật bắt nguồn từ bên trong.
Từ lý thuyết đi vào cuộc sống thực tế cách xa vạn dặm.
Một ngày nào đó sẽ tự khám phá ra rằng nói nhiều mà
sống chẳng được bao nhiêu.
Bước đầu đi vào thực hành đời sống nội tâm mà có người
nâng đỡ khuyến khích đồng hành (linh hướng) và tạo cho họ nếp sống bầu khí môi trường
cơ hội thì hay biết mấy.
Những người có nhu cầu sống nội tâm khi có người đồng
hành không cảm thấy độc hành lẻ loi bởi đôi lúc thấy bế tắc, đôi lúc thấy tương
lai mù mịt đêm tối.
Người đồng hành sẽ dẫn họ bước đi từ từ chầm chậm từng
bước bởi sức cố gắng, sự tập trung của người bắt đầu bước vào sống nội tâm dễ
bị sự nồng cháy sốt sắng ban đầu làm cho người ta đến lúc nào đó mệt phờ căng
thẳng chán ngán.
Vì mau nóng chóng nguội nên cần có người biết hãm lại
và làm thư giãn.
Tổ chức một cuộc tĩnh tâm mà dồn mọi người tập trung,
bưng bít và cách ly cuộc sống bên ngoài một cách nghiêm khắc thì một thời gian
ngắn, mọi người nhanh chóng có cảm tưởng mình đã được đưa lên tầng trời thứ ba,
tiến tới nhân đức cuốn… chiếu chăn mùng mền rồi ;
thế rồi xong những ngày đó trở về với nếp sống cụ thể
đối diện với thực tế lại thấy những bế tắc những khó khăn bầm dập như người
trên trời rơi tõm xuống đất.
Hoặc những cuộc tĩnh tâm chỉ vì luật buộc cách khắt
khe, rồi mọi người phải gồng mình gò ép trong mấy ngày khổ sai đó đến khi thoát
ra được là thở phào nhẹ nhõm, nở nụ cười đắc thắng như trút được một khối đá
nặng trịch và sau đó lại tung cánh, bay nhẩy, tự do thoải mái, nhào vô những
công việc dồn dập hoa cả mắt lên.
Người muốn sống nội tâm thì sự khát vọng ao ước tha thiết
đó cần đi vào cuộc sống hằng ngày trong đời thường vì thế có thể ví như cả đời
tĩnh tâm, biết dành nhiều thời giờ tốt đẹp lặng lẽ âm thầm một mình cho Chúa.
Người lấy Chúa làm trọng, lấy Chúa là trên hết thì họ
sẽ không dành cho Chúa những giờ dư thừa, thời giờ đã mệt oải.
Không tạo điều kiện, cơ hội, bầu khí, chỗ ở thì không
thể có cầu nguyện hay chiêm niệm được.
Một cộng đoàn thường đầy những tiếng động thì lòng trí
đâu mà tha thiết sống nội tâm.
Một cộng đoàn làm nghề giữ trẻ thì chắc chắn là quá ồn
ào với những tiếng khóc gào thét, tiếng reo hò của trẻ, tiếng hát múa nhẩy của
trẻ, thêm những tiếng gõ leng beng om sòm… mới sốt ruột làm sao chứ !
Nhất là vì kinh tế mà đưa trẻ vào cả chỗ ăn chỗ ở của
cộng đoàn tu trì !
Và rồi, những tiếng động bên ngoài đường, bên hàng
xóm, xe cộ, tiếng nổ động cơ, máy cưa, máy xay…. tiếng nhạc, tivi, karaokê…
toàn là volume cực đại.
Hằng ngày phải đối chọi với những tiếng động đinh tai
nhức óc như thế cộng với những công việc quá tải làm cho người ta chóng mặt,
chân tay rời rã thì chẳng còn tâm trí đâu, lòng dạ đâu mà tha thiết đời sống
cầu nguyện chiêm niệm hay nội tâm.
Tạo cơ hội phương tiện môi trường bầu khí còn có thể
hiểu được là chấp nhận cho ra đi hoặc cho họ tự tìm đến những nơi thanh vắng cô
tịch, những trung tâm tĩnh tâm, tiếp xúc với những người kinh nghiệm dầy dạn
trong chiêm niệm để cho tâm hồn họ dễ lắng đọng lại, múc lấy, tập trung, ý thức
mình là ai và Chúa là ai ;
để dễ nhìn ra mình với “cái tôi” cao vun vút hơn núi và để
nhìn thấy mình đầy những hoài nghi cám dỗ chia trí lo ra, những hình ảnh, những
công việc nối đuôi nhau xuất hiện
và cuối cùng để nhìn ra Chúa đang hiện diện trước mặt
với tấm lòng tình
Cha tràn ngập yêu thương.
Một cộng đoàn
ai cũng mải mê
những công việc thì chẳng còn ai dám sống thầm lặng cô tịch. Người
nào cũng tỏ ra đăm đăm trầm trọng, tỏ ra điều ta đây vất vả với những công việc
quan trọng thì ai có lòng khát vọng sống nội tâm cũng dễ bị nhạt tan đi.
Có người được chia làm việc này việc nọ thì tỏ ra thích thú hãnh diện
và cố bám chặt lấy không dám buông rời vì sợ mất, mất rồi sợ bị tiếng chơi
không, ăn sẵn, loại dư thừa rẻ rách, ăn bám.
Bởi có những ánh mắt không được thiện cảm : Lười, không chia sẻ gánh nặng, người
đâu mà có thứ khườn khĩnh thế !
Thì hỏi rằng ai dám sống lơ mơ.
Có dám can đảm ra như rảnh rang, chịu mất thì giờ, ra như
uổng phí thời gian cho việc đào luyện tâm hồn sống nội tâm không ?
Tức là có giờ tập trung để sống tương quan.
Thời đại hôm nay người ta muốn đốt giai đoạn nên làm gì là phải có
kết quả ngay
và cầu nguyện cũng thế là phải có thánh ngay.
Ôi ! thời đại của sốt ruột.
Một cộng đoàn có một hay hai người sống nội tâm thì dễ
bị cả cộng đoàn kéo lôi đi xềnh xệc ; gò ép họ vào đường lối cách thức luật lệ nội quy
lời khấn
cùng với những con người lơ đễnh mù mịt trước ánh sáng của Tình Yêu.
Hoặc có người hướng dẫn một nhóm nhỏ bước vào sống nội
tâm mà trong khi đó cộng đoàn đông đảo với những con người ham thích vui chơi nô
giỡn bát nháo tiếu lâm thì chẳng gây được ấn tượng nơi nhóm nhỏ đó bởi tính tự
nhiên con người vẫn thích sự dễ dãi thoải mái hơn.
Muốn đào luyện những người sống nội tâm là những người tình nguyện
chứ không phải một cộng đoàn có sẵn rồi tới đó ép, hay áp đặt họ mặc dù ơn gọi này
dành cho tất cả mọi người, nhưng có những người không thích, không muốn, không
ưa… thì chỉ còn biết dâng (đội) lên cho Chúa.
Một cộng đoàn làm vui lòng nhau bằng những lo vun đắp “xây tổ” mỗi ngày một khang trang
hơn, văn minh hiện
đại hơn, thoải mái hơn, ồn ào hơn…
để rồi nhu cầu này đẻ ra nhu cầu khác chẳng bao giờ ở yên
được, chẳng bao giờ cảm thấy đủ được cho dù đã thừa mứa, cứ thế
chồng chất chất chồng cho đến lúc ngập đầu
không
còn nhìn thấy tha nhân chung quanh,
không
còn nhận ra được mình,
không còn nhận ra nơi ở của mình
và nhất là không còn thấy Chúa đâu nữa. (vật chất dễ làm cho
mắt người ta có ghèn : cờm nước kéo màng làm mờ mắt, sau đó thì… mù).
Nhân loại như đang bị chết đuối ;
đang
đi vào cõi chết mà không biết mình
đang chết ;
đang
chìm ngập dần mà không biết mình đang bị nhận chìm ;
đang bị tê liệt mà cứ tưởng mình còn khỏe mạnh.
Thật đáng thương. Chỉ những ai tỉnh táo biết kêu gào
ầm ĩ : Cứu tôi với. Xin cứu tôi với. Cho tôi được sống.
Vâng, Đức Kitô đã đến để cứu vớt và cho sống.
“Tôi đến để anh em được sống và sống dồi dào”. Lời
nói thật chắc nịch.
Sự sống dồi dào đó là “không phải là tôi sống mà là Đức Kitô
sống trong tôi”.
Vậy, xin hãy tạo điều kiện, môi trường, bầu khí, nơi ở để cho
tôi được sống. Một sự sống dồi dào phong phú ấy.
MONG MANH
Leave a Comment