Xin dạy chúng con cầu nguyện




Xin dạy chúng con cầu nguyện
Lc 11,1-4

Cầu nguyện có phải dạy không ?
Xin thưa ngay rằng cầu nguyện là tiếng nói tâm tình ẩn sâu bên trong được giãi bày ra trong mối tương quan gắn bó giữa cha và con thì chẳng cần gì phải dạy.

Một đứa con trong gia đình đến với cha mẹ yêu thương thì nó thủ thỉ tự bộc lộ điều nó muốn từ lòng thầm kín qua tiếng nói, cử chỉ, nét mặt, dáng dấp, điệu bộ của nó… và rồi cha hay mẹ của nó cũng sẽ trả lời tâm tình yêu thương cho nó biết điều mà lòng nó mới tỏ bày ra…

Tại sao có môn đệ lại xin Thầy Giêsu dạy cầu nguyện nhỉ ?
Có lẽ ông cũng được chứng kiến nhiều lần Thầy Giê-su cầu nguyện… thấy một người nào đó ở yên cầu nguyện sao mà có vẻ hấp dẫn, lôi cuốn, khiêm tốn, thanh thoát, bình an đến thế không biết và nhất là tiếp xúc với người vừa mới cầu nguyện xong thì sẽ nhận thấy gương mặt của họ sáng ngời, tự tin, vui vẻ, nhẹ nhàng…
Người môn đệ này thích quá cũng muốn được Thầy Giê-su dạy cho biết cầu nguyện nên đã nói khéo đi là xin dạy chúng con cầu nguyện như ông Gio-an dạy môn đệ của ông cầu nguyện…
Tâm sự giữa bố con có được thân mật thì điều quan trọng trước hết là người con có gần gũi thân mật gắn bó với bố nó trước đó không đã ?
Nếu người con có tâm trạng nghĩ đến bố là sợ hãi ?
Nếu người con thấy bố lúc nào cũng ở xa tít tắp ?
Nếu người con cả ngày lẫn đêm cũng không nhớ đến bố được một lần?
Nếu người con đã được gieo vào đầu óc hình ảnh bố dữ tợn răn đe phạt vạ xét xử…
thì con cái sao gần gũi được ?
Vâng, nếu người Cha trên trời với đứa con ở trần gian cũng giống như câu hỏi đặt ra như thế thì đừng hòng bàn chuyện cầu nguyện nhá !
Theo kinh nghiệm của riêng chúng tôi thì chúng tôi cần phải có một cuộc hoán (hối) cải trước đó đã !
Bởi cuộc hoán cải nào cũng dẫn chúng tôi đến cảm nhận một Thiên Chúa rất gần gũi thân mật hạnh phúc yêu thương mà trước đó không thể nghĩ tới hay tưởng tượng ra được !
Và sau khi Bố con chúng tôi gần gũi thân mật rồi thì lúc ấy chúng tôi mỗi ngày dành giờ ra lân la gần gũi với Bố qua Thầy Giêsu hiền lành, là Anh Cả hiện diện sống động đang ở lại với con người trong Nhà Tạm.
Vì thế, nếu các môn đệ yêu mến Chúa Cha bằng một tình yêu sâu thẳm thì các ông tức khắc biết cầu nguyện, không cần phải có ai dạy bảo.
Cứ nói chuyện với Chúa Cha một cách bình thường như hai cha con, hay như hai người bạn tri kỷ.

Tại sao Thầy Giêsu không dạy môn đệ cầu nguyện ngay từ ban đầu mới quy tụ các ông nhỉ ?
Việc cầu nguyện là đương nhiên rồi, mỗi người tự bộc bạch với Đấng mình yêu mến nhưng có những người khao khát muốn tìm về sâu hơn nữa trong đời sống cầu nguyện nên mới bày tỏ ra với người khác để được nghe chia sẻ kinh nghiệm sống cầu nguyện của họ.
Có lòng thực sự khao khát ước muốn tự nguyện tỏ bày ra thì mới được giúp đỡ, chứ tự nhiên ra ai nói đến làm gì, không đúng chỗ “ngứa”, rách việc ra !
Thầy Giêsu cũng để các ông tự nhiên… cho đến khi các ông thấy việc cầu nguyện là cần thiết là quan trọng nên các ông mới tỏ bày lòng ước muốn của mình.
Vậy không phải Thầy Giêsu không dạy cho các môn đệ cầu nguyện, mà Thầy chờ cho các ông nói ra điều đó, khao khát nhu cầu đó, Ngài mới dạy cho các ông cầu nguyện cũng không muộn.

Kinh Lạy Cha
Kinh Lạy Cha là mối tương quan Cha và con. Trong mối tương quan thân tình kín đáo Cha con đó bộc lộ ra trong cuộc sống được bao gồm trong lời Kinh Lạy Cha.
Tất cả những lời xin những lời cầu nguyện được gồm tóm trong kinh Lạy Cha. Ngược lại từ kinh Lạy Cha phát xuất ra nhiều lời nguyện lời xin khác trong cuộc sống.
Không quen cầu nguyện riêng tư một mình bởi vì không biết nói gì, không biết làm gì nên nhiều người khuyên dựa vào kinh Lạy Cha mà đọc. Đó cũng là cầu nguyện rồi.
Nhưng miệng đọc oang oang mà tâm trí lòng dạ ra như Cha vẫn ở tận đẩu đâu ấy thì lời đọc đó mới chỉ là nói một chiều. Lời kinh đó bay mất hút vào thinh không trôi theo mây trời.
Trong mối tương quan thân mật thì người đọc đó họ biết họ nói cái gì và nói với ai. Như thế lời kinh mới trở thành lời nguyện của chính mình được.

Chúng tôi hôm nay
“Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống !”
Câu chuyện của ông Giona thật hấp dẫn sống động và mối tương quan với Chúa thật hồn nhiên.
Khởi đầu chúng tôi cũng chẳng có được mối tương quan đậm đà thân mật như thế nhưng nhờ đời sống cầu nguyện trong thinh lặng lắng nghe mỗi ngày nên chúng tôi cũng biết “rên rẩm lảm nhảm” hồn nhiên như thế.
Trong thinh lặng ở lại trong tình yêu hằng ngày ấy thì chính Chúa đã dạy cho chúng tôi biết sống đời sống cầu nguyện, thế thôi.
OTC

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.