“Kho báu” đã trao ban từ khuya rồi




“Kho báu” đã trao ban từ khuya rồi


          Mong manh
         
          Các bạn quí mến, tôi đã cảm được nỗi lòng của các bạn. Tôi đã thấy  được nét mặt đăm chiêu của các bạn.
Các bạn cứ "rên" lên : "Ôi ! sao  mãi chẳng gặp được Chúa". 

Tôi đã đụng phải những tiếng "rên" này ở  nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người.
Tôi thấy sao mà dễ thương qúa. Tiếng "rên" của Thánh Thần đấy và tôi cũng đã cười thầm trong bụng (không phải khinh rẻ đâu nghe), cười vì mừng, vì thấy tốt qúa, vì thấy Chúa đang hiện diện, đang yêu thương những tâm hồn khao khát.
Vậy mà sao các bạn lại cứ "rên" lên thế ?
Tôi không biết trả lời làm sao cho các bạn vì đây là công việc của Chúa.
Một lúc nào chẳng ngờ Thánh Thần sẽ ùa vào lòng các bạn, lúc đó các bạn tưởng mình tìm được, chiếm được nhưng thật ra các bạn đã được tìm, đã được nắm bắt.
"Kho Báu" đó đã ban tặng cho bạn từ khuya rồi đấy.-
Ngay từ khi các bạn mới hình thành trong lòng mẹ cơ đấy!!
"Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
         
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, (Gr 1:5)
            Thật mến thương các bạn đi tìm Chúa, tôi cảm thấy được sự loay hoay của các bạn, cũng như tôi đã từng loay hoay :
tập tành các nhân  đức, khổ chế, ăn chay hãm mình đánh tội phạt xác,
xưng tội rước lễ các ngày thứ sáu đầu tháng,
hy sinh liên tục, lần chuỗi tính bằng cây số,
yêu thương người nghèo, bệnh nhân...,
nhưng loay hoay riết rồi cũng mệt lả, chán nản, buông thả và thấy mình có tên mới "vũ như cẩn" (vẫn như cũ) hay "nguyễn y vân". (vẫn y nguyên)
Bạn có biết không, có cái ông ẩn sỹ nọ nói là người gặp gỡ là người ngu :
người ta khổ cực nhiều để vào nhà bằng cách leo thang rỡ mái, phá cửa sổ, đào ngạch khoét vách... khi chui được vô nhà rồi thì mới biết cửa ra vào vẫn mở toang (ngu thật).  
         Xin chia sẻ với các bạn chút tâm tình của người khao khát
          Các bạn có thấy không
các vị Ngôn sứ đã la toáng lên là : hãy trở về, hãy hoán cải.
Hỡi dân ngu si khờ dại, hãy quay ngược con tim trở lại, hãy rũ sạch bụi bặm của dân ngoại, hãy trung thành với Giao ứơc của Giavê....
Rồi đến Gioan Tẩy giả, từ sa mạc đi ra, cũng  quát  vang  lên :
"Hãy  hối cải, vì Nước Trời đã  gần bên" (Mt 3,2).
Tiếp đến, Đức Giêsu, Ngài cũng đã đi rao trên các đường phố, các thành thị, các thôn làng :
"Hãy hối cải, vì nước Trời đã gần bên" (Mt 4,17).
Ngày nay các bạn có dịp nghe giảng, chia sẻ... các bạn sẽ ít còn thấy những tính cách Ngôn sứ mà lại nghe nói đủ thứ, cả mớ, xào xáo đủ chuyện : kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, hoặc mắng mỏ đủ điều, hay những bài học luân lý dài lê thê không có bãi đậu...
Những điều đó chẳng phải là sai đâu
nhưng đã không xoáy vào được sứ điệp Tin Mừng 
hoặc không có tính cách Ngôn sứ …nên thật là đáng tiếc.
Giáo Hội vẫn khẳng định là trí tuệ con người có thể tìm được Thiên Chúa và  nhận ra sự hiện hữu của Người;
nhưng Giáo hội cũng nhìn nhận rằng công  việc hướng dẫn, giới thiệu bộ mặt thật của Thiên Chúa thật khó khăn;
bởi  vì có thể lạc hướng, hoặc chưa xác tín đủ, hay chưa có kinh nghiệm riêng tư để có thể nói về Thiên Chúa như Người đã muốn tự mặc khải ra cho con người. 
Lí trí có thể dựng nên một chân dung Thiên Chúa
nhưng nó không đạt tới chỗ gặp gỡ được Người, Đấng là Tình Yêu và đang yêu thương con người, từng người trong mọi hoàn cảnh, trong mọi biến cố cuộc đời.
Giáo hội chẳng phải là ai xa lạ mà là các bạn đấy. Xin cám ơn Chúa vì các bạn đang nhìn ra được vấn đề này.
Người khao khát gặp gỡ Chúa xin đừng có mà tưởng tượng ra là mình ráng gặp gỡ Chúa thì mình sẽ được khỏe re, cũng giống như cố gắng bật được công tắc là điện sáng, hoặc như mở chiếc rôbinê là nước cứ chảy ra.
Nhất là đừng tưởng mình sẽ có một đời sống khác lạ, mênh mông, chơi vơi,
lòng mến lúc nào cũng dạt dào, cầu nguyện lúc nào cũng sốt sắng,
tâm tình lúc nào cũng bay cao, không còn phạm tội nữa,
không còn khuyết điểm nào,
đời sống lúc nào cũng phẳng lặng chẳng còn sóng gió chao đảo....
Nghĩ như thế là các bạn lầm rồi đó, các bạn ạ. Người gặp gỡ Chúa là con người vẫn sống cuộc sống bình thường, chân vẫn chạm đất, đầu vẫn đội trời, vẫn mang khối thịt nặng vài chục kí lô (nếu đem cân hơi), vấp té vẫn trầy da tróc vẩy.
Chỉ có điều là người đó nhậy bén trong  Tình Yêu và biết mình là tội nhân nên luôn khiêm tốn :
"Đây là lời  đáng tin đáng nhận mọi đàng, là Đức KITÔ GIÊSU đã đến trong thế gian đễ cứu những kẻ tội lỗi, mà trong số đó tôi là người thứ nhất" (1 Tm 1,15 ).
 "Ngài đã yêu thương tôi và đã phó mình vì tôi" (Gl 2,20).
Yêu thương và biết mình được yêu thương. Thiên Chúa yêu thương tôi với cái tôi hiện có và Ngài biến đổi lòng tôi, đổi trái tim chai đá của tôi bằng trái tim thịt, trái tim biết yêu thương. Gột rửa tình yêu của tôi trở thành tình yêu tinh ròng.
Vì thế, thưa các bạn, chẳng phải ào một cái là xong ngay đâu, giống như ta tạt chậu nước vào gốc cây.
biến đổi từ từ, bền bỉ, trải dài trong cuộc sống.
thấm nhập từng chút, từng chút vào con tim.
Hoán cải cả những thói quen, lề thói, các tư tưởng, những nghĩ suy đã in đậm qúa sâu trong lòng. Sự khám phá ra những điều mới mẻ là sau một cuộc chấn chỉnh lại cách dài dài.
Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tàn tạ và hư hao,
thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. (2Cr 4:16)   
          Vậy các bạn đừng sốt ruột cuống cuồng đi tìm con đường tắt hoặc chờ đợi cái "mánh" như dân chợ trời nhé (mau nóng chóng nguội đấy).
Nếu chộp được Thiên Chúa ngay tức khắc, nắm bắt được Ngài một cách dễ dàng khi bạn muốn, thế thì Thiên Chúa rẻ như mớ rau muống sao
Xin đừng tưởng rằng:
làm một lần cho xong, chẳng cần gì nữa, một lần cho xong để khỏi lo lắng bận tâm, phần sau thế nào thì chẳng cần biết.
Vâng, mỗi người cần tìm ra con đường của mình (không cần liếc qua người khác), con  đường là một tiến trình chứ không phải là một lời giải đáp.
Con đường  bạn đến với Chúa mà bạn cảm thấy tốt nhất, gần gũi nhất, thì xin bạn cứ can đảm bước đi, đừng chạy qua chạy lại. 
Một vị ẩn sĩ nọ, sau khi  đã giác ngộ, thầy sống thật đơn giản. Các học trò thấy vậy cũng bắt chước,theo gương nhưng thầy nói :
 Bắt chước lối sống của tôi nào có  ích gì khi các trò không có được cùng một động cơ thúc đẩy.
Hoặc bắt  chước động cơ thúc đẩy của tôi mà không hề có cái nhìn, quan điểm tạo ra nó thì có ích gì ?
Một con dê trở thành thầy ra-bi bởi vì nó mang bộ râu được không? (một phút khôn ngoan).   
          Người khao khát tìm Chúa không phải là cứ chạy theo tư tưởng này, tư tưởng kia.
Thấy cái gì hay là vội ghi ghi chép chép cuống cuồng. Họ giống như người mua hàng, vào cửa hàng, ròm ngó ngược xuôi, đảo qua mấy vòng, rồi nói với bà chủ hàng bán cho tôi mỗi thứ một lạng.
Như thế chúng ta vô tình đang xây cho mình một kho báu để cất  giữ những gì mình đã chộp được : nào là những tư tưởng, những kiến thức, những suy tư, những câu nói...,
tự mình đã cất công tìm được hay  khám phá ra, và hãnh diện vì mình được phong phú bởi những đồ đạc châu ngọc đắt giá trong kho báu đó.
"Ta đã cho những kẻ không kiếm Ta gặp được Ta,
những kẻ không tìm hỏi Ta, Ta đã tỏ mình ra cho chúng"  (Rm 10,20).
Thánh Phaolô đã trích từ Is 65,1. Chúng ta đi tìm theo cách thức của chúng ta nên Đức Chúa đã không xuất hiện ; đang khi thái độ đúng đắn đòi chúng ta nghèo đi, bóc trần ra, lột bỏ chính bản thân mình đi.
Ai đời nào, một Đấng Tuyệt Đối lại được xếp vào ngang hàng với một mớ lỉnh kỉnh ngổn ngang hằm bà lằng đủ thứ, một cửa hàng lạp soong….
thế thì còn có giá trị gì nữa chứ ?
Có phải mâu thuẫn ngay từ đầu không ? vô duyên chứ ?
Đây là một Ân Ban nhưng-không…tình cho không biếu không mà lị.
"Có gì mà không phải bởi nhận lãnh" (1 Cr 4,7).
          Vì thế, hoán cải chính là đón nhận cái nhưng-không và đón nhận cái nhưng-không bằng việc gặp gỡ.
Kiếm tìm là khám  phá ra cái đã trao ban từ khuya rồi.
Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta
trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người. (Ep 1:4)
          Một tình thương âu yếm vẫn đang hành động, chứ không phải chạy hàng mấy cây số, vật vã mồ hôi hoặc rút hết ngăn kéo này đến ngăn kéo kia, lục tung xà bần lên.
Thế đấy, cho dù chúng ta đã là người tuyên xưng đức tin từ lúc được ẵm đến nhà  thờ để xin được chịu bí tích thanh tẩy.
         Vậy chúng ta cần hoán cải các tư tưởng của chúng ta, cái ngưỡng cửa chúng ta cần bước qua là chuyển từ một vị thần linh  xa lắc xa lơ nào đó, sang một AI-ĐÓ đã gặp,  đã cảm.
Dù chúng ta có gào tướng kinh Tin kính, chẳng hồ nghi một chút xíu nào;
dù chúng ta hô lên tôi tin vào Chúa Ba Ngôi một cách dứt khoát ;
dù chúng ta không phản đối các giữ kiện của đức tin công giáo,
thì cũng vẫn còn chỗ cho những khoảnh khắc chan hòa ánh  sáng òa nhập đến tận đáy trái tim và trở nên nồng ấm.
Cũng thế, dù chúng ta sống chấp nhận và thực hành tối đa nền luân lí Kitô giáo nhưng vẫn không có được niềm hân hoan, bình an tươi mát…
 có đúng không nào ?         
          Ngày xưa, những "chân lý vĩ đại" được nhấn mạnh, được nhắc đi nhắc lại để người ta hiểu được đạo Chúa là thế nào:
sự sống, sự chết, thiên đàng, hỏa ngục, thưởng phạt, răn đe...
Thường thường, ai in ấn  những điều đó vào đầu óc một cách sâu đậm và "phọt" ra ngoài miệng trong mọi tình  huống, trong mọi biến cố cuộc sống thì người đó được coi là có đời sống đạo tốt.
Lại còn khuyên răn được người khác nữa thì đó là bậc thầy.
Ngày nay hình như đã bớt đi rất nhiều các cuộc khủng bố lương tâm,
và người ta nhấn mạnh về Tình Yêu nhiều hơn.
Vì thế mà cũng bớt đi những con người ngây ngô, ngô ngố, lan man làm sao ý.
Với những người này hình ảnh một Đức Chúa của họ là Đấng uy quyền, toàn năng, chúa tể tuyệt đối, nắm trọn quyền hành, lúc yêu lúc ghét.
Họ đã mặc cho Người bộ áo quan tòa, bộ đồ phù thủy, sáng tạo và tiêu diệt, chúc phúc và nguyền rủa....
Dễ đưa họ đến chỗ tự tạo dựng ra một vị Thiên Chúa của mình, họ tưởng tượng ra một ông thần râu ria đang điều khiển các con rối hoặc đang điều khiển cái máy chém.
Do vậy mà Người ban phát những ân huệ theo sở thích, theo những tiêu chuẩn xa lạ mà chẳng ai dò đoán nổi, có khi lại hết sức bất công ; và con người ráng phải tùng phục, nệ lụy.
Với lối sống này, họ cũng có thể đạt đến việc tự sức mình, gồng lên để tập tành các nhân đức, bặm môi trợn mắt để khử trừ tội lỗi, phồng mang trợn má để hãm mình phạt xác một cách điên cuồng, tạo cảm giác ươn ướt trong mắt những lúc gặp khô khan nguội lạnh...
Ớn luôn! và ớn thật, vì có nhiều người không dám liều mình đạo đức, sợ thành bà thánh sống ngơ ngơ ngáo ngáo, bởi vì bên cạnh họ đã có những vị "thánh sống" như vậy đó.
Ngược hẳn lại, trong thực tế, mẹ Têrêxa Calcutta lại sắn tay áo lên... mặc dù mẹ vẫn có giờ ngồi lặng trước Thánh Thể, và tay mẹ không rời sâu chuỗi, mẹ vẫn rước Thánh Thể mỗi ngày... Có gì khác lạ đâu ? 
          Người khao khát tìm Chúa, người quen sống với Chúa là một con người quân bình trong tình yêu.
Họ vui tươi yêu đời, họ bình an, và hết sức người, như Đức KITÔ, Đấng là người hơn người.
Họ toả ra bầu khí cầu nguyện bởi vì họ đã cầu nguyện trong từng khoảnh khắc và họ toả ra mùi yêu thương, khiêm tốn, điềm đạm trong môi tường hoàn cảnh chung quanh.
Nơi họ có một sự hồi sinh, một bầu khí yêu thương bao trùm, một sự thu hút, một sự  hấp dẫn thật sự. Lòng họ với Chúa là diện đối diện, tim đối tim và họ đã được Chúa xếp đặt các sự việc cho đúng chỗ :
"Không phải là ngươi mà là Ta" (1Ga 4,10),
"Không phải anh em đã chọn Thầy
 nhưng  chính Thầy đã chọn anh em" (Ga 15,16).
"Không phải là tôi sống mà là Chúa KITÔ sống trong tôi" (Gl 2,20)    
            Thế đấy ! đến đây các bạn đã có thể xếp tôi vào trong số người "đạo đức", người mà chẳng ai dám đến gần, mà chẳng ai ham thích,  lại còn sợ "đạo đức" như đã kể trên chứ ??? .
         Thôi chúng ta đừng phịa chuyện ba láp ra làm gì nữa, rách việc ra.

Các bạn đã đọc bài Ước Vọng và Khao Khát Tìm Chúa trong cuốn Hạt Giống Âm Thầm chưa ?   

          Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau
          Có một chàng đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình :
 "Thưa Thầy con muốn gặp Chúa ". 
          Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cùng một ước muốn. Vị linh đạo tiếp tục mỉm cười và vẫn sự thinh lặng cố hữu của ông.
Một ngày nọ ông đưa người môn sinh đến dòng sông, thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người môn đệ hoàn toàn cảm thấy thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh sư tóm lấy anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người môn đệ cố gắng vùng vẫy để ngoi lên. Lúc bấy gìờ vị linh  sư mới hỏi anh :
“Khi bị dìm dưới dòng nước, con cảm thấy cần điều gì nhất
           Không một chút suy nghĩ người đệ tử đáp : 
          - Thưa thầy, con cần có không khí để thở.
           Lúc bấy gìơ vị linh đạo mới dẫn giải : 
          - Con có ước ao được gặp gỡ Thiên Chúa như vậy không ? Nếu con khao khát như thế con sẽ gặp được Ngài tức khắc.
Ngược lại nếu con không có ước muốn như thế,
 thì cho dù con có vận dụng mọi tài trí và cố gắng, con sẽ không bao giờ gặp được Ngài.
         
          Sự thánh thiện của chúng ta chính là Thiên Chúa. Chính nhờ sự tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta mới có thể làm việc thiện, mới có thể tránh được điều xấu, mới có thể cầu nguyện, mới có thể can đảm vô tư.
Cũng như người đệ tử khao khát gặp Chúa, chúng ta hãy xin Ngài cho chúng ta được thông vào sự sống của Ngài để nhờ đó chúng ta mới có thể đem lại hoa trái của sự thánh thiện. (HGÂT.tr.53).
          Thánh Augustin nói :
"Lạy Chúa, quá trễ ngày con biết yêu Chúa, là nguồn gốc mọi vẻ đẹp cổ kính và tân tiến nhất.
Chúa ở ngay trong con mà con lại ở xa chính mình con hơn ai hết.
Con cắm đầu chạy theo những vẻ đẹp tay Chúa đã làm nên,
 trong khi đó Chúa là Đấng tạo dựng mọi sự lại ở ngay tâm hồn con.
Ánh sáng Chúa đã làm con chói mù mắt.
Chúa đã làm phảng phất những mùi thơm của Chúa trong tâm hồn con.
Con đã ngửi thấy mùi thơm đó và chỉ biết mong mỏi chiếm được nó.
Con đã nếm thử vị dịu ngọt của Chúa và lòng con đói khát tìm kiếm Chúa.
Chúa đã đụng tới tim con và gìờ đây con chỉ còn biết khát khao
được bình an của Chúa thống trị tâm hồn con luôn mãi ".   

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.