THIÊN CHÚA LÀ GÌ?




THIÊN CHÚA LÀ GÌ?
Lung Linh

Suy tư về Thiên Chúa thường xuất hiện 3 cách câu hỏi chính sau đây:

Cách đặt câu hỏi: “Thiên Chúa là Đấng nào?” nghe có vẻ rất hợp tình hợp lý và được nhiều người ủng hộ nhất.
Thế nhưng nếu đặt câu hỏi: “Thiên Chúa là ai?”  nghe có vẻ hơi hỗn xược rồì đấy! Thường thường, đó chỉ là câu hỏi dành cho những phàm nhân dưới gầm trời này. Ai lại hỏi như vậy đối với Vị Thiên Chúa uy nghi quyền năng như thế! 
Ngạo ngược hơn nữa, cách đặt câu hỏi: “Thiên Chúa là gì?”.
Rất có thể.. một số người sẽ lồng lộng lên kết án là phạm thượng, kiêu ngạo trước một “Đấng chí Tôn Chí Thánh”, dựng lên trời đất muôn vật!!!
Chúng ta sẽ từ từ phân tích và nhận định từng góc cạnh của vấn đề.
Thiên Chúa là một từ ngữ có lẽ mang rất nhiều ý nghĩa nhất.. tùy những gì mình đã được dạy dỗ, được in vào đầu óc hoặc tùy những gì mình đã khám phá.
Chúng ta có thể nói “trăm người trăm Chúa”.
Hơn nữa, một người có thể nhận ra ba, bốn hình ảnh Chúa tùy theo trình độ phát triển Tâm Linh!!! Chúng ta sẽ phân tích phía dưới.
Thực vậy, tất cả tùy thuộc vào lối nhìn của mỗi người trong từng hoàn cảnh sống.

THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG NÀO?

Thường thường chúng ta nhận được những câu trả lời sau đây theo quan niệm của CỰU ƯỚC
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, toàn tri..và hàng chục kiểu toàn khác…
Thiên Chúa là Đấng  chí tôn, chí thánh, chí công..và hàng chục loại chí khác…
Thiên Chúa là Đấng  dựng nên trời đất muôn vật
Thiên Chúa là ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa của Ít-ra-en trong Cựu Ước 
Đặc điểm của Vị Thiên Chúa này mang dáng vẻ một con người:
Thiên Chúa thống trị như ông vua trần thế : Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả. (Tv 47:9)  
Thiên Chúa ghen tuơng: Chúng đã thờ các thần không phải là Thiên Chúa khiến Ta phải ghen tương.  (Dnl 32:21)  
Thiên Chúa thịnh nộ, giận dữ 
Vì thế, Ta sẽ làm cho trời chấn động, đất chuyển rung dời chỗ trong cơn giận của ĐỨC CHÚA các đạo binh, vào ngày Người nổi cơn lôi đình. Is 13:13  

Bổn phận của chúng tôi:
Tôn thờ
‘ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Người thật là Thiên Chúa Ít-ra-en thờ !’   (1Sb 17:24)   
Kính sợ
Chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em   phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em phải gắn bó với Người; anh em sẽ nhân danh Người mà thề   (Dnl 10:20)  
Trung thành phụng sự Chúa như bầy tôi đối với vị vua trong triều đình trần thế
Sẵn sàng kết án  những ai không cùng niềm tin với mình:
Đức Giêsu chỉ cần xưng mình là con Thiên Chúa liền bị thượng hội đồng Do - thái kết án: “Phạm thượng! Hắn phải chết!!”
Tương quan của chúng tôi với Chúa 
Tôi tớ hèn mọn đối với vị Chúa các chúa uy quyền, dũng lực, cao sang
Giữa chúng tôi và Chúa xa cách nghìn trùng. Đây là hậu quả tai hại nhất.

Nhận Định
Quan niệm này đã có từ thời Cựu Ước, …..
thế mà cho tới nay, thật đáng tiếc!! phần đông chúng tôi vẫn còn nhìn Chúa như một vị vua cao sang, xa lạ, chẳng liên quan gì với đời sống của mình
và dường như chỉ có một bổn phận duy nhất: Xem lễ ngày Chủa nhật..
Khi đọc Kinh Thánh, chúng tôi dựa vào nghĩa đen, và quan niệm Thiên Chúa như một con người – y như con người.
Đừng trước những gai góc của cuộc đời, có người đã từng đặt vấn đề:
Chúa nghĩ gì...? Không biết Chúa có đau lòng không..?
Nếu đau lòng tại sao Thiên Chúa lại làm ngơ ...?..
Chúa làm ngơ như vậy liệu có đáng gọi là Chúa Nhân Từ không..?...
Hay chính Chúa muốn chúng tôi phải chết như vậy...?
Nếu đây là điều Chúa muốn thì qủa thật Chúa quá tàn ác.!..
Vậy cầu nguyện Chúa làm gì..?
Ca ngợi Chúa làm gì...?
Rõ ràng là chúng tôi đã đồng hóa bản thể Thiên Chúa thành như một con người với thân xácsuy tư bằng trí óc y như con người (Chúa có óc!!)… biết đau lòng (Chúa có quả tim nhân loại!), lúc lại tỏ ra tàn ác (Chúa có trái tim còn tệ hại hơn trái tim con người!), !!!.
Quả thật Chúa của chúng tôi  hiền ít, dữ nhiều…tới độ  gần như… tàn ác ….
Tóm lại, Thiên Chúa được coi như một con người bằng xương bằng thịt  với tâm tư tình cảm y như con người với đầy đủ thất tình, lục dục!!!

THIÊN CHÚA LÀ AI?

Thường thường chúng ta nhận được những câu trả lời sau đây:
1. Chúa là bạn hữu:
Dường như tư tưởng này chỉ được ghi  trong Kinh Thánh, còn trong thực tế hiếm ai sống trong tâm tưởng này.
Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.  (Ga 15:15)     

2. Chúa là đầy tớ:
Tư tưởng này cũng chỉ có tính cách lý thuyết.
Rất hiếm ai dám cả gan coi Chúa là đầy tớ của mình. Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, (Ga 13:14). Rửa chân là việc của người đầy tớ.
Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho chúng tôi. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa chúng tôi vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. (Lc 12:37)  
Chỉ có đầy tớ mới thắt lưng, đi lại hầu hạ, phục vụ.
Thực oái oăm, tuy trong lòng không bao giờ dám phạm thượng như thế….nhưng trong thực tế, rất nhiều người đã coi Chúa như ông thần đèn. Xin hết ơn này tới hơn khác.
Nếu Chúa không ban ơn như ý chúng tôi xin, chúng tôi giận dỗi…thậm chí muốn bỏ đạo, không đi nhà thờ nữa chỉ vì “ông Chúa đầy tớ thần đèn” không chịu làm theo ý của cái thằng tôi đây!!!

3.Chúa là cha nhân lành:
Đây là câu trả lời được nhiều người ưng ý nhất, đặc biệt là trong các cộng đoàn có bài bản huấn luyện hẳn hoi.
Điểm son:
Nhận ra mình là con yêu dấu của Cha là một bước tiến rất dài trên bước đường phát triển Tâm linh. Tương quan giữa mình và Chúa từ nay gần gũi hơn, đầm ấm hơn. Tương lai từ nay phó thác trong tay Cha nhân lành, không còn quá lo lắng như xưa nữa. Cuộc đời sống đạo từ nay bình an hơn, hạnh phúc hơn.
Có thể gọi chúng tôi gần như là những người Kitô hữu đích thực

Góp ý thêm:
Trong một số cộng đoàn, chúng tôi đã biết cầu nguyện tự phát với công thức chung chung như:
“Lậy Cha…chúng con xin ngợi khen và cảm tạ Cha, vì…”
Nhưng hiếm có người nào sống với Cha trong tâm tình của một người con yêu dấu của Ngài.
Chúng tôi vẫn sống trong tâm tình của người anh cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu.
Tuy mang tiếng lả con, nhưng chúng tôi vẫn cho mình là người làm công.
Chúng tôi xả thân mình để phục vụ cho Công trình của Chúa..
còn Chính Chúa sống ngay trong lòng... chúng tôi chẳng cần quan tâm!!!
Một trong những huynh trưởng của cộng đòan nổi tiếng trên thế giới đã cảnh cáo các thành viên như sau: “Nếu chúng ta làm bê bối, Chúa sẽ loại bỏ chúng ta khỏi công trình này mà giao cho những người khác xứng đáng hơn”
 Đúng là tinh thần của người làm công!!!
Tuy gọi Chúa là cha, nhưng chúng tôi vẫn tự thú nhận qua những lời cầu nguyện:
“Lạy Cha, dù chúng con bất xứng, yếu hèn, tội lỗi…. Nhưng Cha vẫn thương sai  chúng con ra đi loan báo Tin Mừng cho những người khác!!”
Xin quý vị lưu ý cho: đây không phải là khiêm nhường mà chính là tố cáo mình: chúng tôi đang mang tâm tình của người làm công
Chẳng hiểu chúng tôi loan Tin Mừng hay Tin Lo sợ vì chúng tôi không ngừng nhắc nhau: Đừng Sợ!!
Rõ ràng chúng tôi đang rất sợ nên mới phải nhắc nhở nhau như thế. Làm sao có thể loan Tin Mừng trong khi lòng mình vương vấn nhiều nỗi âu lo!!!

4. Chúa là Đấng tình quân:
Điểm son:
Người tình Giêsu đẹp trai lý tưởng tuyệt vời!! Đây là mơ ước đặc biệt của nhiều nữ tu muốn bắt chước thánh nữ Teresa D’Avila. Chúng tôi sống với người yêu Giêsu trong một mối tình lãng mạn đầy thánh thiện. Chúng tôi cảm thấy rất gần Ngài.
Có nhiều lần chúng tôi cảm thấy Chúa nên một với mình.
Chúng tôi trong Chúa, Chúa bao phủ chúng tôi.
Chúa đồng hành với chúng tôi. Chúa yêu thương chúng tôi..sâu đậm đến nỗi chúng tôi có thể “sờ được Chúa”. Chúa đi vào trong giấc mộng ngọt ngào, lâng lâng tràn đầy thánh thiện. Chúng tôi sung sướng thốt lên: Từ hừng đồng con kêu lên Chúa và ban đêm con nhớ tới ngài.
Chúng tôi bơi lội trong biển tình yêu của người tình Giêsu yêu dấu. Chúng tôi không còn thiết tha gì tới những mảnh tình tầm thường nơi trần gian này nữa. Chàng - người yêu Giêsu - đã chiếm đoạt chúng tôi khá mãnh liệt.
Quả thật, đây là trình độ cao nhất trong quan niệm Chúa mang hình ảnh một con người.
Rất ít người đạt tới trình độ này...kể cả các nữ tu. 


Góp ý thêm:
Tuy nhiên, lẽ ra chúng tôi phải tiến tới mức nên một với ngài với xác tín sâu xa..Nhưng dường như tình yêu của chúng tôi chỉ mới tám rưỡi mà không thể nào đạt tới chín – chín mùi.
Chúng tôi lý luận rằng:
Dù nhận Chúa làm Tình quân nhưng Chúa vẫn là Chúa, tôi vẫn là tôi. Vì thế tôi vẫn phải “khiêm nhường”, sống trong tâm tình “Tri Ân”.
Không biết Teresa D’Avila đạt tới trình độ nào..nhưng nếu cứ theo nội dung bài ca của tác giả Linh mục Ân Đức thì rõ ràng mối tình này vẫn còn một khoảng cách, chưa nên một trọn vẹn vì vẫn phải cúi đầu tôn thờ Đấng Tình Quân.
"Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ, con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con ..." và "để từ nay con sống là sống cho tình yêu, và từ nay con chết là chết cho tình yêu...".
Tôn thờ cũng là phải thôi vì đây là  Đấng Tình Quân – người tình nhân quân vương!!!
Mà hễ còn tôn thờ thì vẫn còn khoảng cách – dù đó là khoảng cách mong manh như màn sương khói. Chứng tỏ mối tình đó chưa vươn tới tuyệt đỉnh. Mới chỉ cảm nhận rất gần, rất gần..dù rằng nhiều lần có cảm giác tuy hai mà một… nhưng chủ yếu: tuy một mà vẫn còn là hai rất rõ ràng và dứt khoát.
Tại sao vậy??
Nếu thực sựcon sống là sống cho tình yêu, và từ nay con chết là chết cho tình yêu?” chắc chắn chuyện tôn thờ sẽ trở nên gượng ép.
Bởi vì toàn tâm toàn ý sống cho tình yêu thì việc mong ước sống nên một sẽ chiếm hết tâm trí người ta rồi..còn giờ đâu mà đẩy “Đấng Tình Quân Giêsu” lên bệ cao uy linh hoặc đẩy lên tuốt chín tầng trời để rổi lại cúi mình tôn thờ.
Rất có thể một nữ tu nào đó trả lời rằng: tôn thờ chỉ là ngôn từ thôi chứ thật ra đó chỉ là tâm tình “tri ân” tình yêu bao la của Chúa. Chúa yêu tôi trước, tôi phải yêu lại chứ!!
Đúng rồi, nhưng rõ ràng là Chúa vẫn còn là một thực thể tách rời và chính chúng tôi tự tạo ra một khoảng cách giữa mình và Chúa. Vì thế chúng tôi cho rằng mối tình lãng mạn đó chỉ mới tám rưỡichưa chín tới!!!
Tại sao câu chuyện lại có vẻ mẫu thẫn như thế??
Bởi vì chúng tôi thường đồng hóa con người thân xác và tâm hồn .
Con người thân xác bất toàn, tâm hồn cũng bất toàn.
Con người thân xác yếu đuối, tâm hồn cũng yếu đuối
Con người thân xác phàm hèn, tâm hồn cũng phàm hèn
Con người thân xác tội lỗi, tâm hồn cũng  tội lỗi.
Rõ ràng là chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi dấu ấn đã in đậm nét trong trí não:
Chúa toàn năng chí thiện, tôi phàm hèn tội lỗi, cho nên khi nhận Ngài làm tình quân của mình, chúng tôi vẫn e dè, giữ một khoảng cách
vì thế những ai dám tuyên bố rằng: chúng ta vốn là thánh, chúng ta có thể hoàn toàn nên một với Ngài ngay trong cuộc sống thường ngày…
sẽ bị chúng tôi cực lực lên án là hoang tưởng!!!
Quả thật..chỉ vì chúng tôi chưa hoàn toàn thoát khỏi dấu ấn đã in đậm nét trong trí não: Chúa toàn năng chí thiện, tôi phàm hèn tội lỗi.

THIÊN CHÚA LÀ GÌ?

Đây là câu hỏi mang tính thao thức, kiếm tìm, tự vấn chính mình về niềm tin đối với Chúa;
tự vấn chính mình về mối tương giao của mình với Chúa hiện nay ra sao?
Để tiến tới trình độ này, người ta ít sử dụng tình cảm, con tim..mà người ta phải khởi đi từ việc khám phá ra Thần Khí Thiên Chúa
    Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.
….
Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ ; chúng tôi không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán.
Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho Người ? Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Ki-tô.
(1Cr 2:10,14,16)
Một khi chúng tôi khám phá ra Thần Khí Thiên Chúa vốn hiện diện trong mình thì Chúa của chúng tôi cũng không còn mang hình tướng nữa - không còn là ông vua, cha hiền, bạn hữu, tình quân..nữa.
Như thế chúng tôi có thể “thấy Chúa” qua những khái niệm sau:
1. Chúa là ánh sáng
Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào. (1Ga 1:5)
2. Chúa là Thần Khí
Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4:24)
Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do. (2Cr 3:17”
3. Chúa là tình yêutình yêu chứ không phải là người yêu!!
Thiên Chúa là tình yêu :
ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa,
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
(1Ga 4:16)   
4. Chúa là nguồn bình an
Xin Thiên Chúa là nguồn bình an, ở cùng tất cả anh em. A-men.  (Rm 15:33) 
5. Chúa là Sự sống đời đời.  Tư tưởng này…tramtubensuoi tâm đắc nhất
Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16:16)   
Mà sự sống đời đời đó là chúng tôi nhận biết Cha (Ga 17:3)  
Có thể nói dễ hiểu hơn: Chúa là nguồn sống đời đời, mà nguồn sống đời đời này Chúa đã ban cho tôi…. để tôi sống từ Nguồn Sống Thần Linh này.
Có như thế, tôi mới cảm nhận sâu sắc được lời tâm huyết của Phaolô:
“Tôi sống, không phải là tôi, nhưng là chính Chúa sống trong tôi”

Những ai đi vào con đường này, trong thời gian đầu sẽ có những lúc cảm thấy rất chênh vênh. Bấy lâu nay, mình luôn có Chúa ở bên như cây gậy vững chắc để mình có thể dựa vào.
Bây giờ, Chúa chui vào trong mình – khiến mình như mất luôn cây gậy an toàn.
Khởi đầu có những lúc cảm thấy rất là hoang mang mà Gioan Thánh Giá gọi là những “đêm thăm thẳm của đức tin”!! 
Nhưng rồi nếu cứ tiếp tục đi trên con đường mình đã khám phá. Càng ngày mình càng cảm thấy vững vàng hơn, tự do hơn, thoải mái hơn, hạnh phúc hơn vả nhất là bình an hơn…
Gặp hoàn cảnh có bi đát đến đâu đi nữa, sau một lúc choáng váng..chúng ta có thể lấy lại được bình an rất nhanh..và tiếp tục sống với Chúa ngay trong tâm mình.
Điều thú vị nhất là không còn gì phải lo lắng cho chuyện đời sau.
Vì hiện tại, ta đang sống với Chúa trong thân xác này..
đời sau ta vẫn tiếp tục sống với Chúa trong trạng thái siêu nhiên hơn – không còn thân xác nữa – sự sống thay đổi chứ không mất đi.
Đây mới là điều đáng để cho chúng ta suy tư về một vị Chúa không hình tướng nhưng cực kỳ sống động ngay trong tâm mình.
-0-0-0-


Chia sẻ về quan niệm Thiên Chúa từ thơ ấu tới trưởng thành

Thay vì kết luận, chúng tôi xin chia sẻ lại những biến chuyển xảy ra trong tâm hồn… khiến cho tôi có những quan niệm khác nhau về Chúa…từ thơ ấu tới trưởng thành.
Điều này chứng tỏ rằng: một người cũng có thể nhận ra ba, bốn hình ảnh Chúa tùy theo trình độ phát triển Tâm Linh!!!
1. Chúa là thẩm phán: Tôi ra sức lập công để được ghi vào sổ bìa vàng; và hết sức lánh tội để sổ bìa đen của tôi không bị quá dày theo năm tháng….
Mong rằng tới khi chết, cùng lắm cũng chỉ bị giam cầm nơi luyện ngục một thời gian càng ngắn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

2. Chúa là Cha: Chia làm 2 giai đoạn
Giai đoạn Một: Tuy miệng thưa: Lạy Cha, Lạy Cha! nhưng chẳng bao giờ nhớ tới Cha, sợ Cha như sợ cọp. Mạnh Cha, cha sống, mạnh con, con sống..chẳng có một chút tình cha con gì cả!!!
Tôi vẫn lo lập công, kể công, năn nỉ ỉ ôi hết ơn này tới ơn khác với não trạng của người làm công!!!..
và khi tới giờ chết thì hỡi ơi!! Cha của mình lại biến thành vị thẩm phán chí công.. “cân đo đong đếm tội – phúc” rồi đì vào luyện ngục không biết bao nhiêu là năm tháng!!! Khiếp quá..vã mồ hôi ra như tắm!!!
Giai đoạn Hai: Từ khi nhận ra Từ muôn thủơ Chúa đã yêu con – Tôi là con yêu dấu của Ngài
Tôi loại bỏ tâm tình người làm công
Thay vào đó, tôi nhiệt tình làm việc trong tâm tình yêu mến vì có Chúa là Cha hằng ở bên mình
Tuy nhiên,  thời gian đầu, tôi và Chúa vẫn còn là hai: Chúa là Cha, tôi là con.
Nhưng tôi không còn sợ Cha nữa, và cảm thấy mối tương quan với Cha của mình gần gũi thân thương…sâu đậm theo năm tháng…
3. Chúa là Sự sống đời đời – vô hình tướng
Nhưng rồi… tôi cảm thấy Chúa chui vào trong tâm hồn mình lúc nào không hay..Chúa trở thành vô hình tướng.
Tôi không còn nghĩ tới chuyện lập công nữa mà chỉ còn tâm niệm rằng ..
       Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu (Cv 17:28)
Chúa là nguồn sống thần linh mạnh mẽ của tôi.

Một anh bạn đã từng hỏi tôi một câu duy nhất:
“Hiện nay, bạn tâm đắc điều gì nhất”
Được hỏi 4 lần, mỗi lần tôi trả lời khác nhau
Đầu tiên, tôi trà lời: “Chúa là cây trượng nâng đỡ tôi, khiến tôi an lòng”
Khoảng 6 tháng sau, tôi lại trả lời: “Từ muôn thủa Chúa đã yêu con
Một năm sau tôi lại trả lời: “Trước đây, Chúa ở ngoài tôi; từ nay, Chúa sống ngay trong lòng mình
Mười năm sau, tôi có thể cảm được hương vị ngọt ngào như Phaolô. Tất nhiên, tôi hân hoan trả lời với anh bạn:
Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.
Tất nhiên không phải là tôi sống được liên tục 24/24, nhưng có thể tổng cộng lên tới vài tiếng đồng hồ mỗi ngày với cảm nghiệm sống động trong tình trạng thức tỉnh.
Rõ ràng là hình ảnh Chúa thay đổi tùy theo mối tương quan của riêng tôi với Chúa.
Từ xa lạ… tới làm quenthân tình … và đỉnh cao là nên một….


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.