ĐỌC KINH THÁNH MỘT CÁCH HIỆU QUẢ NHẤT




Tuần trước, mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta có dịp nhìn lại khuôn mặt sống động của Ba Đấng:
Nhưng làm sao kết hiệp nên một với Chúa??

Có 2 phương thế tuyệt vời:
Đó là Đọc Kinh Thánh và Cầu nguyện.
Hôm nay, mời quý vị nghiên cứu cách đọc Kinh Thánh để mang lại kết quả tốt đẹp.. giúp cho việc kết hiệp nên một với Chúa dễ dàng hơn.

ĐỌC KINH THÁNH MỘT CÁCH HIỆU QUẢ NHẤT
Lung Linh

Cầu nguyện và đọc Kinh Thánh là 2 phương thế tuyệt vời nhất của cuộc sống đời Kitô hữu
Có nhiều cách đọc Kinh Thánh, tùy theo mục tiêu của người đọc.
 A -   KHUYNH HƯỚNG TIÊU CỰC
1.     Đọc cho xong một bổn phận : Thời trong chủng viện, ngày nào tôi cũng đọc Kinh Thánh có vẻ chăm chăm chú chú nhưng chẳng hiểu gì cả. Anh em đọc không lẽ mình không đọc. Lời Chúa chẳng dính dáng gì tới tôi.
2.     Đọc trong Thánh lễ : Khi được phân công, tôi chuẩn bị đọc làm sao cho xuôi chảy, không vấp váp kẻo thiên hạ cười vào mũi.
Còn đỡ hơn một số người, không chuẩn bị gì cả, đọc loạng quạng, phân câu không đúng chỗ đến nỗi chính họ cũng không hiểu điều mình đang đọc.
người còn tệ hại hơn, đứng trên bục rồi mà không biết là phải đọc bài nào.
Thậm chí có ông nhè ngay bài Tin Mừng của chủ tế mà đọc…buộc linh mục chủ tế phải nói chú giúp lễ nhắc nhở..
3.     Đọc để bới lông tìm vết : Họ đứng trên quan điểm lịch sử, khoa học, ngôn ngữ học với ánh mắt mang hình viên đạn rồi dựa theo nghĩa đen để phê bình, chỉ trích, kết án…
Và còn nhiều cách đọc khác nữa…

B -  KHUYNH HƯỚNG TÍCH CỰC
 
1.     Đọc để cầu nguyện :
Đây là cách đọc Kinh Thánh rất bài bản với Phương thức cầu nguyện với Kinh Thánh, đặc biệt với phương pháp cầu nguyện của Lectio Divina. 
Chúng ta có thể tỉ tê tâm sự với Chúa xoay quanh một vài tư tưởng tâm đắc qua những Lời Chúa chúng ta vừa đọc.
2.     Đọc để gặp gỡ Lời Chúa : Các nhà viết suy niệm Lời Chúa danh tiếng như Soubigou, André Roche, Richard Gutzwiller, Prêtres du Prado giới thiệu phương pháp gặp gỡ Lời Chúa.
Chắc chắn những cách đọc trên đã giúp cho những nhóm chia sẻ Lời Chúa khắp thế giới mỗi ngày một lớn lên trong Lời hằng sống của Ngài.
Tất nhiên là cũng còn vài cách đọc khác nữa. Trong khuôn khổ bài này, tôi xin chia sẻ cách đọc Kinh Thánh theo lối nhìn mới – một cách nhìn trực tiếp – không phải suy luận cao siêu, có lẽ dễ nuốt hơn một chút.
Đó là khi đọc Kinh Thánh, tôi cá nhân hóa nội tâm hoá.
 
          I - CÁ NHÂN HOÁ
 
Trước kia, khi đọc Kinh Thánh, tôi thấy những nhân vật xuất hiện như chuyện Tề thiên, chẳng liên quan gì tới tôi.
Phêrô chối Chúa : Đồ phản Thày!.
Giuđa bán Chúa: Đồ phản bội!
Tự tử hả : Cho chết, chẳng ai thương!
Những người Do Thái hò la đóng đinh Chúa : Đúng là quân dữ, quân Giu-Rêu !!!
Khi tôi quyết định lên đường tìm Chúa, tôi cá nhân hoá những nhân vật trong Kinh Thánh. Từ những người yếu đuối tội lỗi tới những vị thánh siêu phàm, thậm chí kể cả Đức Giêsu, thần tượng của tôi.
 
A.  Cá nhân hoá những hình ảnh tiêu cực :
 
1.     Dụ ngôn người cha nhân hậu :
        Có một thời, tôi giống như người anh cả. Mang tiếng là ở trong nhà cha, nhưng quan hệ của tôi với cha của mình y như người làm thuê đối với ông chủ .
        Biết bao lần tôi đã thầm kể công với Chúa và thầm đòi hỏi Chúa phải trả công xứng đáng cho những hy sinh thời gian, tiền bạc, sức lực của tôi trong công trình của Chúa.
Nếu đợi mãi mà Ngài không cho, tôi rất có thể sẽ oán trách ngài y như người con cả :
"Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh,
thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con
để con ăn mừng với bạn bè. (Lc 15:29) .
Trái lại, khi phạm tội, tôi sợ ông chủ phạt thẳng tay vì Chúa công bằng vô cùng cơ mà.
2.     Dụ ngôn người phụ nữ ngoại tình :
Có một thời, tôi chính là người phạm tôi ngoại tình.
Người phụ nữ phạm tôi ngoại tình vài lần, còn tôi phạm tội ngoại tình hầu như suốt ngày.
Này nhé, Chúa yêu tôi hết lòng, sống trong tôi, còn tôi cứ việc chạy theo chuyện thế gian, bỏ mặc Chúa mãi cô đơn ngay trong lòng tôi,
Thế không phải ngoại tình suốt ngày thì gọi là gì.
Tội sờ sờ ra đó, thế nhưng tôi rất khoái kết tội, nói xấu người khác, và cũng sắn sàng ném đá, đôi lúc lại chơi trò ném đá giấu tay để người bị hại không biết đâu mà đối phó.
Tôi y hệt như những người Do thái xưa đã được Đức Giêsu cảnh báo :
Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em,
mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?
Sao anh lại nói với người anh em: "Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn",
trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? (Mt 7: 3-4)
3      Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. (Mt 8:1)
Rất nhiều lần tôi cũng có mặt trong cái đám đông láo nháo đó.
Đám đông làm thế nào, tôi làm theo như vậy.
Đây chính là kiểu đi theo Ngài một cách vô ý thức : ai sao tôi vậy.
Thực thế, tôi đã đi lễ, rước lễ ( chứ không phải rước Chúa) tĩnh tâm biết bao lần, nhưng chỉ theo đám đông mà làm như nguời máy chứ chẳng có ý thức gì.
  vậy, sau hơn 30 năm giữ đạo, tôi chẳng tiến chút nào mà còn lùi xa hơn, chỉ vì sống trong đám đông láo nháo không định hướng.
4.     Tôi còn có thể cá nhân hoá mình thành đền thờ Giêrusalem.
Đức Giêsu đã khóc thương mà nói:
"Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!
 Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.
vì ngươi đã không nhận biết thời giờ
ngươi được Thiên Chúa viếng thăm." (19 : 42,44).
Quả thật, Chúa đã viếng thăm tôi hàng tuần, thậm chí hàng ngày khi tôi lên rước Chúa, nhưng tôi đâu có nhận ra Ngài.
Nếu tôi nhận ra Ngài, chắc chắn Ngài đâu có phải khóc thương tôi như thế.
4.     Hơn thế nữa, tôi còn biến đền thánh tâm hồn tôi thành sào huyệt của bọn cướp (Mt 21: 13 )
Mặc dù Thánh Phao-lô đã chia sẻ:
Thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?
Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần
chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.
Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa,(1Cr 6:19).
Nghe câu này cả trăm lần rồi, thế nhưng tôi chẳng bao giờ nhớ Thánh Thần hiện diện sống động trong tôi, suốt ngày tôi cứ chạy theo cơn lốc tình, tiền, tài, danh vọng thế gian.
Rõ ràng tôi đang biến đền thánh tâm hồn tôi thành hang trộm cướp – còn gì để nói nữa đâu.
Còn rất nhiều và rất nhiều hình ảnh khác mà tôi có thể tha hồ mà cá nhân hoá
 
 
B.     Cá nhân hoá những hình ảnh tích cực, sống động.
 
1.   Luca đã viết về Gioan Tảy giả :
“Ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần”.( Lc 1 : 15 ).
2.     Còn ngôn sứ Giêrêmia,
"Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi,
Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân." ( Gr 1 : 5 )
3.   Ngay cả bản thân Đức Giêsu, Ngài có cả chục câu tuyệt vời, tôi chỉ cần dẫn chứng vài câu thôi
Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,(Cl 1: 15)
Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người,
để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.( Rm 8 ; 29)
Tôi và Chúa Cha là một. ( Ga 10 : 30 )
Giống như Gioan Tảy giả, ngay từ trong lòng mẹ, tôi đã đầy Thánh Thần.
Và cũng  giống như ngôn sứ Giêrêmia, Chính Thánh Thần Chúa đã thánh hoá tôi và sai tôi làm ngôn sứ cho muôn dân .
Nếu tôi sống với niềm xác tín sâu xa đó thì chắc chắn tôi sẽ ngày càng đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, trưởng tử của Thiên Chúa.
Và cảm nghiệmTôi và Chúa Cha là mộtsẽ trở thành hiện thực ngay trong cuộc sống trần tục này. (nói theo từ của anh Nguyễn Đăng Trúc).
Đọc tới đây, chắc có người phản đối:
Những câu này viết chỉ dành riêng cho cá nhân Gioan Tảy giả, cá nhân Giêrêmia và đặc biệt là cá nhân Đức Giêsu mà thôi,
bạn là gì mà dám sánh mình với các ngài???
Hoặc phản đối mạnh mẽ và ngắn gọn hơn : Giêsu khác, bạn khác. (Lại theo nhìn ánh mắt nhân loại: Chúa thánh thiện, tôi tội lỗi!!!)
Nếu nói như thế, thà tôi đọc chuyện Tây du ký còn sướng hơn vì toàn là chuyện viết riêng cho cá nhân Tam Tạng, cá nhân Tề Thiên, cá nhân Chứ Bát Giớicó liên quan quái gì với tôi đâu.
Đọc xong tôi có thể vất vào thùng rác hoặc bán ve chai được vài đồng.
Cũng vậy, nếu Kinh Thánh chẳng liên quan gì tới tôi, thì đọc làm gì cho mất giờ.
Và vấn đề đồng hình đồng dạng sẽ trở thành vô giá trị,
nếu tôi không cá nhân hoá Đức Giêsu với chính tôi.
Hơn nữa, mục đích của đọc Kinh Thánh cuối cùng cũng chỉ để nên một với Chúa.
Nên một với Chúa mà còn được, thì chuyện cá nhân hoá tôi với cỡ Gioan Tảy giả hoặc Giêrêmia thì nào có nhằm nhò.
 
        II -   NỘI TÂM HOÁ
Nội tâm hoá chính là đưa Lời Chúa vào lòng mình và xác tín vào Lời đó, đơn giản chỉ vì tôi tin rằng Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống.
Tôi xin minh hoạ một ít câu Kinh Thánh đã được tôi nội tâm hoá :
Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng
do bởi Thiên Chúa.(Ga 1:13)
 Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên
tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người. (Ep 1:4)
"Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã
thánh hoá ngươi,
Ta đặt ngươi làm
ngôn sứ cho chư dân."
Qua ba câu này, tôi khám phá ra sự xuất phát tuyệt vời của mình khác hẳn với những gì tôi biết trước đây. Tôi cứ tưởng tôi sinh ra trong đống tôi, chỉ là vật mọn phàm hèn, không đáng Chúa ngự vào lòng…qua 3 câu này, tôi mới thấy mình thật hạnh phúc vì:
·        Tôi được sinh ra bởi chính Thiên Chúa
·        Ngài đã thánh hoá tôi ngay từ trong lòng mẹ
·        Nhờ được thánh hoá, tôi trở nên thánh thiện tinh tuyền
 -       và Ngài  đã chọn tôi trước cả khi tạo dựng đất trời.
Nói cách khác, tôi là con ruột của Chúa chứ không phải dưỡng tử, hay nghĩa tử - một thằng con nuôi –
Ủa, mà nếu tôi là con nuôi của Chúa thì ai là cha ruột của tôi nhỉ?
Không lẽ tôi là con ruột của ma quỷ !!! kinh khủng quá và cũng vô lý quá.
Tôi rất thích bài hát Chúa không lầm với giai điệu muợt mà, truyền cảm, nhưng nội dung thì thật đáng tiếc - xin lỗi tác giả - đúng là một viên thuốc độc bọc đường :
Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa rằng thân con bởi tro bụi
và đuợc cưu mang trong tội lỗi.
Quả là khủng khiếp!!!
Với lối nhìn mới, tôi xác tín rằng: ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, Ngài đã thánh hoá tôi, cho nên, trước khi chào đời, tôi đã thánh thiện từ đầu đến chân.
Như thế, theo lối nhìn mới, thì không có chuyện nên thánh vì tôi vốn là thánh rồi, còn nên nỗi gì nữa bây giờ.
Nhưng thực tế rõ ràng tôi đã từng cảm thấy mình bê bối quá, yếu đuối quá.
Nguyên nhân là vì ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã hấp thụ quá nhiều những tư tưởng trần gian, thành thử ra:
tôi cứ tưởng mình phàm hèn và đành phải kéo lê lết cuộc đời nhàm chán.
Mãi cho tới khi tôi nội tâm hoá những câu Kinh Thánh trên, tôi mới khám ra rằng: bấy lâu nay mình ngủ mê.
Thực vậy, nhờ những Lời Chúa quý báu đó, tôi mới té ngửa giống như Phaolô đã từng ngã ngựa :
À thì ra, mình vốn là con ruột của Chúa từ lâu rồi, mà mình không biết.
Nói tới đây, tôi bỗng nhớ ra. Tôi đã từng gặp rất nhiều, rất nhiều người vỗ ngực tự xựng mình là con Chúa nhưng khi cầu nguyện họ vẫn cứ nhắc đi nhắc lại những câu sáo mòn :
Con là kẻ yếu đuối, tội lỗi, không xứng đáng,  thế mà Chúa vẫn thương chọn con để con ra đi Loan Báo Tin Mừng.
Yếu đuối, tội lỗi - một hình thức nô lệ, bị áp bức, bị giam cầm - làm sao có niềm vui đích thực được, mà đòi đi Loan Báo Tin Mừng!!! Tin mừng gì ?!!

Để củng cố thêm cho niềm xác tín này, tôi xin dẫn chứng thêm 2 câu nữa của thánh Phaolô :
Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta,
nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.(Rm 5:5)
Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Người không phải bằng tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, chức tước, danh vọng ; mà quý báu và trọng đại hơn nhiều đó là Thánh Thần.
Ngài ban Thánh Thần với mục đích gì?
Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí 
làm cho chúng ta trở nên nhút nhát,
nhưng là một Thần Khí  khiến chúng ta được
đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.(2Tm 1:4)
Thánh Thần là kho sức mạnh, là nguồn tình thương, là lò nghị lực.
Như vậy, từ nay tôi không còn mặc cảm yếu đuối, chết nhát nữa bởi vì tôi đang mang trong mình  cả một khối sức mạnh, tình thương và nghị lực.
Trước đây, khi tên cám dỗ vừa ló mặt ra, hoặc là tôi đầu hàng rồi răm rắp làm theo những điều nó xúi giục;
hoặc là tôi dùng nghị lực con người để chiến đấu với nó - rất cực khổ nhưng thường là thất bại thê thảm.
Tôi bèn tự an ủi mình bằng cách đổi lỗi cho Chúa :
Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa rằng thân con bởi tro bụi
và đuợc cưu mang trong tội lỗi.  
Hiện nay, tôi sống rất thoải mái, tự do, bình an nhờ sức mạnh Thánh Thần ở ngay trong tâm tôi.
Thỉnh thoảng, tên cám dỗ ngày xưa cũng dẫn xác tới, nhưng tôi thấy rõ ràng hắn không còn sức quyến rũ mãnh liệt ngày nào,
đơn giản chỉ vì  mối bận tâm duy nhất của tôi hiện nay là sống điều tôi đã khám phá:
sống cuộc sống dồi dào nhờ sức mạnh của Thần Khí Chúa ngay trong tâm hồn tôi
 
Tóm lại ,

 Trong phần cách thức giải thích Kinh Thánh, Công đồng Vaticano II khuyến cáo người giải thích cần phải để ý tới văn loại, hoàn cảnh thời đại và văn hoá, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là
Kinh Thánh được viết ra bởi Chúa Thánh Thần
nên cũng phải đuợc đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần.
Nếu đọc và giải thích theo ánh mắt của nhân loại : phân biệt Chúa thánh thiện – tôi tội lỗi - thì rõ ràng không đúng với tinh thần Công Đồng Vaticano II.
Và con đường nên thánh của tôi sẽ trở thành mịt mùng diệu vợi - gần như không tưởng vì quan niệm thành – phàm như dòng sông chia cắt đôi bờ hạnh phúc, như núi cao sừng sững ngăn cản bước chân trùng phùng giữa Chúa cao sang và tôi thấp hèn.
Vì thế, tôi tập đọc Kinh Thánh theo lối nhìn mới trong Thánh Thần
nhờ nhân hóa và nội tâm hóa Lời Chúa vào lòng tôi.
Và tôi có thể cảm nhận Thánh Thần bằng chính tâm hồn chứ không phải bằng trí não con người.
Thực vậy, cho dù Lời Chúa là một bức thư tỏ tình của Thiên Chúa đối với nhân loại,
cho dù Lời Chúa là nguồn khôn ngoan vô tận,
cho dù Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống,
nhưng nếu Lời Chúa không thấm vào tâm tôi, thì có ích gì ?

Chúng ta có thể tóm tắt tiến trình Đọc Kinh Thánh từng bước xảy ra như sau:
1.             Đưa Lời Chúa vào tâm mình bằng cách Cá nhân hóa hoặc Nội tâm hóa
2.             Suy đi nghĩ lại trong lòng: Suốt ngày để cho Lời Chúa luẩn quẩn trong tâm trí
3.             Giai đoạn khám phá: Quá trình suy đi nghĩ lại này lâu ngày sẽ tự nhiên bật ra những ánh sáng khiến tôi nhìn khác trước kia: bắt đầu mang lối nhìn mới
4.             Giai đoạn cảm nghiệm: tôi tập sống theo lối nhìn mới và bắt đầu nếm thử hương vị ngọt ngào của Lời Chúa. Lời Chúa bắt đầu thấm vào tim, thấm vào lòng
5.             Giai đoạn xác tín: càng khám phá, càng cảm nghiệm, tối càng xác tín hơn
Vì thế tôi xin được phép giới thiệu đọc Kinh Thánh bằng cách cá nhân hoá hay nội tâm hoá  như là một món ăn trong cuộc sống đạo hằng ngày.
Kính mời quý vị độc giả nếm thử cho biết mùi vị độc đáo của nó.
 




Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.