Gia Phả Thần Linh

 

                                         


Gia Phả Thần Linh

 

Ga 1,1-18

Nói đến sách Tin Mừng Gioan thì chúng ta nắm chắc là ông biên sọan của người có Đức tin nên những ai đã sống Đức tin thì cũng dễ cảm nếm những tâm tình ông biên ra.

Theo truyền thống Sêmít, ông Gioan bắt đầu sách của mình bằng gia phả Đức Giêsu, nhưng, khác với trình thuật khác. Ông Gioan viết gia phả thần linh thay vì gia phả nhân loại.

Những trang đầu của sách Tin Mừng, các tác giả giới thiệu Đức Giêsu mỗi người một cách.

- Với trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa, Máccô (1,9-11) giới thiệu Ngài là Đấng Mêsia

- Với hai trình thuật về việc ông Giuse (Mt 1,18-25) và Đức Maria (Lc 1,26-38) được truyền tin, hai tác giả Mt và Lc  muốn giới thiệu Đức Giêsu là con Thiên Chúa sinh bởi Đức Nữ đồng trinh.

- Nhưng theo ông Gioan thì giới thiệu như vậy chưa đủ, vì trước khi là Đấng Mesia và là Con Thiên Chúa theo nghĩa Cựu ước, Đức Giêsu đã là Ngôi Lời và là Thiên Chúa từ muôn thuở. Nên nếu là gia phả, thì phải nói đến nguồn gốc theo Thần tính của Ngài.

Như vậy nhờ Tin Mừng Gioan, chúng ta có cái nhìn trọn vẹn về nguồn gốc của Đức Giêsu : vừa theo nhân tính (Nhất Lãm) va theo thần tính (Gioan).

Chúng ta tạm phân chia đoạn Tin Mừng này để suy niệm :

+ Nguồn gốc

+ Sứ vụ của Gioan Tẩy giả

+ Ngôi Lời đến trong thế gian

+ Chứng từ của Gioan Tẩy giả

+ Ân sủng và sự thật nhờ Lời

Chắc hẳn ai trong chúng ta ngày hôm ngay không còn hồ nghi hay thắc mắc về căn tính của Đức Giêsu, Ngài là ai ? Ngài từ đâu mà đến ? và sứ vụ của Ngài là Ngài đã làm gì ? Ngài đã nói gì ? Ngài đã sống như thế nào ?

Mục đích của Tin Mừng là “tin”, là lời mời gọi tin, lời mời gọi vững tin, để có sự sống. Nếu chưa tin vào nội dung của lời tựa sách Tin Mừng thì chưa đạt được mục đích. Nếu đã tin rồi, thì lời tựa là bức tranh đẹp và nhiều ý nghĩa, cần chiêm ngắm để làm cho Đức tin đã có, được nuôi dưỡng và trở nên mạnh mẽ và sống động hơn.

Phần chúng ta hôm nay đọc lời tựa của sách Tin Mừng Gioan này tâm hồn chúng ta cảm nghiệm niềm hân hoan vui tươi và thật hạnh phúc ấm áp thế nào ý… không diễn tả ra được !

Nhưng trong đó cũng có một chút xót xa cho những người chưa muốn đón nhận. Có thể còn ngại ngùng lo âu ngờ ngợ gì đó ; hay còn mặc cảm vì còn xấu xa tội lỗi đầy mình ; hay còn quá bận tâm trí đến những gánh nặng trần gian ; hay còn mải mê xây đắp vun vén cho cuộc sống bụi bặm này… “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.

“Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”.

Vậy là những ai đón nhận Ngài thì Ngài cho họ quyền trở nên con, thích không ? Hạnh phúc không ? Không còn là mồ côi cô nhi, lang thang đầu đường xó chợ nữa. Khóai nhỉ ! Hơn nữa chúng ta còn “thấy” Ngài nữa cơ …

Ông Môsê ngày xưa, Thiên Chúa đã phán với ông : "Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống".

Nhưng Thiên Chúa đã không quên lời cầu xin tha thiết của Môsê : "Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài".

Cuối cùng, để lòai người có thể đến với Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngôi Lời làm người và ở giữa chúng ta. Kể từ đây, nơi gương mặt Đức Kitô đã hé mở cho chúng ta thấy Tôn Nhan Thiên Chúa mà không phải chết Ai xem thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 12,46). Và thế là niềm mơ ước của Môsê nay đã hiện thực.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”.

Vinh quang qua các tạo vật mà Ngài sáng tạo dành cho con người ; vinh quang qua những con người sống yêu thương chia sẻ dám quên mình ; vinh quang nơi mỗi người chúng ta được sống và sống dồi dào ; vinh quang nơi Con Thiên Chúa xuống thế làm người đồng lao cộng khổ với chúng ta ; vinh quang qua cái chết đau thương của Ngài chỉ vì yêu thương chúng ta ;

Vinh quang nơi Ngài đã sống lại để chúng ta sống sự sống đời đời trong Vương Quốc Yêu Thương của Ngài…

“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”.


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.