Yêu như Chúa yêu…




Yêu như Chúa yêu…
Mt 10,37-42 ; 2V 4,8-11.14-16a ; Rm 6,3-4.8-11

Đọc bài tin Mừng này có vẻ như một lời khiêu khích ?
Ai, ai là ai ?

Hay là như một lời thách thức nhỉ ?
Người trí thức ngoài Kitô giáo đọc bài Tin Mừng này không biết họ có cảm tình không ?
Chúng tôi nghe từ nhỏ quen rồi và nghe xong cũng kệ, cho qua thôi mà !
Hoặc nghe xong cũng chẳng thắc mắc suy nghĩ làm gì cho mệt óc ?
Nhưng chịu khó suy nghĩ một chút, giá mà với tâm tình Cha con nói với nhau có vẻ hay hơn không ?  Con ơi… !
Hoặc Thầy nói với anh em là anh em hãy yêu Thầy hơn yêu cha yêu mẹ nhá… ! Có dễ nghe hơn không ?
Nếu hiểu theo tính tự nhiên con người thì Thầy có tính hay ghen sao đấy (hơn) hoặc Thầy “kiêu” (đề cao mình) quá đấy không ? (Xin Chúa tha tội cho chúng con).
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Hơn là hơn thế nào nhỉ ?
Có phải xếp hạng cao thấp ?
Chúa ở trên cùng rồi đến Đức Mẹ, thánh… đến cha mẹ, đến con cái… rồi đến người hàng xóm là gần cuối và cuối cùng, bét nhất là thằng (con) kẻ thù không đội trời chung ???
Giời ạ ! Cứ khéo tưởng tượng ra thôi.
Sống đức tin là nhận ra ngay tức thì. Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ, điều răn thứ bốn nhớ rồi ! “Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo : “Ai nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).
Ngày xưa có những người đi tu thấy mẹ mình, mặc váy, chống gậy đến thăm thì lại đuổi mẹ về vì áp dụng Tin Mừng quá triệt để :  ‘tôi đi tu rồi, thuộc về Chúa rồi nên không còn cha mẹ nào hết !!!’.
Sống đức tin sống động mới nhận ra câu nói của Chúa không thể hiểu theo suy nghĩ của loài người được.
Sống đức tin mới biết cách yêu thương của Chúa, yêu như Chúa yêu.
Nhiều người sẽ phải ớ ra khi nhận biết cách yêu thương đến cùng ; yêu là dâng hiến chính bản thân của mình (hao mòn sức khỏe, thức khuya dậy sớm, chịu khổ, chịu nhục, chịu thua lỗ…) ;
yêu là trao tặng cả đời mình cách nhưng-không, vô điều kiện… dù có phải chết. Yêu như thế có thấy ớn không ?
Tiên vàn sống gắn bó với Chúa và đón nhận tình thương của Chúa là nguồn để rồi thể hiện tình yêu thương đó ra nơi người thân của mình rồi đến tha nhân.“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Biết cách yêu của Chúa chưa nào ?
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Không vác thập giá đời mình hiểu làm sao ?
Tránh né, đun đẩy, kêu ca rên rẩm, than trách Chúa, lẩm bẩm tha nhân… chỉ thích sống co cụm, cô lập riêng tư, xa tránh mọi người, sống chết mặc bay.
Thập giá thì ai cũng có, không ít thì nhiều, nặng vừa hay quá nặng… được đặt trên vai hằng ngày.
Thập giá đời mình không bên trong thì bên ngoài, đủ mọi chuyện xưa cũng như nay, đủ mọi vấn đề không to thì nhỏ… Có điều là tự sức mình vác, gánh được không ?
Mục đích Thầy Giêsu đến trần gian để chia sẻ gánh nặng đau thương trần gian. Vác thập giá đi theo Thầy tức là không chỉ một mình trên đời mà còn có Thầy. Thầy chia sẻ gánh đau thương cuộc sống thì không phải Thầy gánh đỡ cho để mình thảnh thơi bước đi khoan khoán ung dung mà là Thầy chia sẻ tình yêu của Cha và Thầy còn cho thấy Thầy gánh nặng bầm dập hơn nhiều, gấp bội lần ấy chứ.
Yêu thương là đau hơn, khổ hơn, vất vả hơn… Sống với Chúa để cảm nhận ách của Chúa êm ái gánh của Chúa nhẹ nhàng, nghỉ ngơi, bồi sức cho để bước đi tiếp với ách và gánh đời mình cũng như tha nhân.
“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.
Ai cũng quý mạng sống mình là tự nhiên thôi vì chẳng thấy ai ghét mình bao giờ và Chúa cũng dạy phải biết yêu chính mình “Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19,19).
Người ta sống mà cứ quy về mình, là trung tâm điểm, cái tôi to đùng, ích kỷ tham lam vơ vét… thì cỡ trẻ con nó cũng coi thường chứ chưa phải nói đến người lớn.
Liều mất mạng sống mình là gì ?
Thưa là làm sao cho đời mình Hạnh Phúc. Hạnh phúc cách sung mãn, tràn ngập, lấp đầy… thì chỉ có một mình Chúa là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc là chính Chúa rồi thì khi đó họ biết mở trái tim ra, mở lòng ra cho đi, dâng hiến, trao tặng… không còn bận tâm tới bản thân nữa.
Đó là mất mạng sống đấy !Thế có Hạnh Phúc chưa ?
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Anh em đây là ai ?
Thưa là những môn đệ của Chúa ?
Chúng tôi có phải là môn đệ không ?
Thưa không là môn đệ thì là gì ?
Vậy ai đón tiếp chúng tôi là đón tiếp Thầy tức là cho chúng tôi ăn uống no say, mâm cao cỗ đầy, có phong bì đút túi, có bịch quà để ở xe… chúng tôi hoan hỉ ra về và lên xe đời mới bóng loáng, còn được dặn dò với theo là lần sau lại đến (ghé) nữa nhá !!
Không biết đón tiếp kiểu như thế thì người đón tiếp có gặp gỡ được Thầy không nhỉ ?
Chúng tôi có bụng còn họ có lòng, là vinh dự cho họ vì chúng tôi đến xơi cỗ và họ hãnh diện vì hơn hẳn những người hàng xóm ?
Ông ngôn sứ Elisa vất vả ngược xuôi, nghèo khó, đói khát, đi đường mệt lả… nên được một gia đình đón tiếp “Bà ấy nói với chồng : “Này ông ! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng”.
Điều quan trọng là người đón tiếp họ có đón nhận được Thầy, được Chúa không ?
Cho dù người đón tiếp họ chỉ có một ly nước lã thôi cũng là quý giá lắm rồi. Phần thưởng của họ ở đây là họ nhận được Thầy, được Chúa.
Sống đức tin sống động là gắn bó mật thiết với Chúa để đi đến đâu đều đem Chúa đến cho họ.
Không quá bận tâm đến nghi thức bề ngoài, không quá phải lo lắng hồi hộp chờ đợi để đón, không cờ quạt băng rôn panô, không hàng rào danh dự phơi nắng cả buổi… mệt lả cả người ra…
Khi họ đón tiếp chúng tôi, không những họ gặp được Thầy mà còn đồng hành để họ nhận ra khuôn mặt thật của người Cha nhân hậu giàu lòng thương xót nữa cơ !
Chúng tôi là những người được đón tiếp, vậy chúng tôi đã sống với Chúa nồng nàn yêu thương chưa ?
Chúng tôi đem gì đến cho họ ?
Họ cần chúng tôi đến với họ để làm gì ?
Để họ có thể cảm nhận phần nào cách sống của chúng tôi theo châm ngôn thánh Phaolo:
Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.   (Gl 2:20)   
OTC


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.