Tôi cũng là Con yêu dấu của Cha




Tôi cũng là Con yêu dấu của Cha


Khổng Nhuận

Đây là Con yêu dấu của Ta  (Mt 17 : 5)
Thế nhưng chúng tôi hoan hỉ reo lên:
Tôi cũng là con yêu dấu của Cha.

Các nhà thần học nghiêm mặt cảnh cáo:
Này, anh là ai mà dám vỗ ngực tự hào mình là con yêu dấu của Cha !!
Chỉ có một mình Chúa Giê-su mới được tôn xưng danh hiệu cao vời này.
Anh vểnh tai lên mà nghe lời Kinh Thánh:
Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.  
(Ga 1:18)  
Suy ra trong biến cố Hiển Dung ta chỉ có thể hiểu là:
Chúa Cha nói với một mình Chúa Giê-su mà thôi.
Anh đừng thấy sang bắt quàng làm họ
Nghe cũng chí lý đấy nhỉ? Khó mà cãi lại được.!!!
Ấy, nhưng các vị thần học lại quên một vài câu quan trọng:
-  Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, (Ga 16:27)   
-  Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa,
để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ,
và con cũng ở trong họ nữa  (Ga 17:26)   
-  Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào :
Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
-mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. (1Ga 3 : 1)
Chúng ta thấy đó:
Thầy Giêsu đã khẳng định: Tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ
Mạnh mẽ hơn nữa Gioan còn các tín mãnh liệt:
Chúa Cha yêu chúng ta dường nào !!!!!
Cuối cùng đưa tới khẳng định tuyệt vời:
Thực sự chúng ta là con Thiên Chúa..
Không phải con loại suy theo kiểu thần học..
Không phải con hạng hai, con hạng bét…
Mà đã thực sự là con ….
chúng ta hoàn toàn có thể reo lên sung sướng:
Tôi cũng là con yêu dấu của Cha.




Biến đổi


Mong Manh


“Hôm ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông...” (Lc 9,28)

Kinh nghiệm của mỗi người chúng ta đã một lần leo núi hoặc có dịp lên mấy trăm bậc thang ở núi Tao Phùng thường thì chúng ta lên tay không cho khỏe chứ mà phải ôm vác cõng những đồ lỉnh kỉnh... có lẽ chúng ta có bò lên cũng không lên nổi, mà muốn lên thì đương nhiên phải loại bớt những gì là không cần thiết, những gì đeo bám vào mình và tới lúc nào đó, để lên được tới đỉnh cao, cũng lại phải bỏ luôn cả những gì là cần thiết nữa.
Điều quan trọng ở đây chính là lòng muốn, nỗi khát khao. Nếu không thích, không muốn thì ta dễ bỏ cuộc, dừng chân nơi lưng chừng, ngắm nhìn qua loa cảnh vật mà không tận hưởng được bầu khí trong lành, khung cảnh tĩnh lặng, trời thật thấp đất thật gần, điểm hẹn của đất trời gió mây và cỏ cây, không trung bao la bát ngát dễ làm cho ta cảm nhận mình thật là nhỏ bé...
Cũng thế, bước lên đỉnh cao, đỉnh sâu của tâm hồn mà chúng ta còn í ạch lạch bạch bởi bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh đeo bám, khuân vác bao nhiêu là vật kềnh càng, thu thập vun vén tích cóp đủ thứ hằm bà lằng... thì làm sao mà lên tới nơi được.
Cần bỏ dần, loại dần, cho đến khi không còn gì, rỗng ra, chỉ còn một mình ta với... Chúa trong cung lòng bát ngát bao la.
Vì lòng khát khao mãnh liệt thúc đẩy để dám can đảm chấp nhận một cuộc hành trình đầy phiêu lưu mạo hiểm... mặc dù Đức Giêsu “đem theo các ông...” nhưng cũng không thể tránh được có lúc sóng gió thử thách, lúc khó khăn gian khổ, lúc tăm tối mịt mù, lúc ngõ cụt bế tắc, lúc đơn độc lẻ loi cực nhọc một mình, lúc trống rỗng nhụt chí tháo lui... Với những cam go thử thách vất vả và hiểm nguy đó, thì chỉ có sự kiên trì bền bỉ mới chứng thực cho lòng mong muốn khát vọng của chúng ta.
Hình ảnh các tông đồ cùng leo núi với Đức Giêsu gợi ý cho ta một sự cố gắng vươn lên không ngừng hướng về sự thật và sự sống là chính Đức Kitô (Ga 14,6)
Đức Thánh Cha Gioan Phalô II viết về cuộc biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần như sau:
Chính Chúa thánh Thần là Đấng khơi dậy niềm khát vọng đáp lời Thiên Chúa một cách trọn vẹn.
Chính Ngài theo dõi niềm khát vọng tăng trưởng và giúp đỡ trung thành thực hiện câu trả lời tích cực.
Chính Ngài giáo hóa và rèn luyện tâm trí của những ai được kêu gọi, biến đổi họ nên giống Đức Kitô...
Trong khi để Chúa Thánh Thần dẫn dắt mình tiến mãi trên con đường tinh luyện, những ai được kêu gọi, ngày qua ngày, trở nên những con người được đồng hóa với Đức Kitô kéo dài trong lịch sử sự hiện diện đặc biệt của Chúa Phục Sinh” (xem Tông huấn Đời Thánh Hiến, số 19)
Khi ta đi tham dự một cuộc tĩnh tâm chung, hoặc khi ta dành thì giờ mỗi ngày để cầu nguyện, chính những lúc đó, chúng ta vui vẻ lựa chọn cái tốt hơn, thì cũng là những lần từ bỏ, khước từ những công việc, thu tích, tính toán, lợi lộc... để rồi những việc từ bỏ nho nhỏ này giúp chúng ta sớm nhận ra cái từ bỏ lớn nhất đó là từ bỏ cái tôi cồng kềnh.
Khi Niềm Vui và Hạnh Phúc chiếm ngự trong tâm hồn thì người đó không còn bận tâm lo lắng lợi lộc ích kỷ riêng mình.

Biến đổi “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác...”

Khi đã tới điểm chẳng còn gì, không còn nắm giữ gì nữa (sau khi đã vứt đi hết) chỉ còn mình ta với Chúa, thì ta trực diện với Ngài, gặp gỡ Ngài, tương quan với Ngài và đó là việc cầu nguyện tuyệt vời nhất vì ta được tiếp xúc thân mật với Chúa chứ không phải những lời kinh dài thoòng trống rỗng đã định sẵn của đa số giáo dân hiện nay, hay suy tư theo những ý tưởng đạo đức có sẵn mà các tu sĩ thường làm trong giờ nguyện ngắm. Ta sẽ thấy lòng ta ấm lại, ta sẽ thấy lòng ta được lấp đầy, ta sẽ thấy tim ta reo lên, ta sẽ thấy Sự Sống trong ta... Vâng, đúng thế ! 
Chính việc cầu nguyện làm cho y phục và thân xác của Đức Kitô tỏa sáng,
Chính việc cầu nguyện làm cho cho Ngài bốc cháy như ngọn đuốc mà không bao giờ lụi tàn,
Chính việc cầu nguyện làm cho Ngài dễ bắt cháy bởi Lửa Trời vẫn được ủ trong tim Ngài như than hồng ủ trong tro,
Chính việc cầu nguyện cho thấy rõ nhất Ngài là Ai.
Một giấc ngủ dài li bì được đánh thức bừng tỉnh “Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn...”.
Một cuộc biến đổi làm cho ta mở mắt “thấy” Chúa. Bước vào một cuộc sống tỉnh thức. Một sự giải thoát nô lệ đưa vào tự do của con cái Chúa. Không còn loạng quạnh chập choạng trong đêm tối, không còn quanh quẩn co cụm trong vỏ ốc, những chuyện vụn vặt không làm thành người nhỏ mọn cứng cỏi, không còn bị xiềng xích gông cùm trói cột, không còn ham mê vun vén tầm thường...
Niềm vui và hạnh phúc quá lớn và thật bất ngờ “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay !...”. Ta được chia sẻ hạnh phúc với Chúa, được đón nhận ánh sáng và sự sống của Ngài. Nếu Chúa không phải là Niềm Vui - Hạnh Phúc đích thực nhất của đời ta thì ta chẳng có lý do gì để đi theo Ngài và loan báo Tin Mừng của Ngài.
“Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn...”.
Ngài đến trần gian không phải để tuyên truyền một tôn giáo, một bè phái nhưng là đến để quy tụ mọi người thành một gia đình, thành anh chị em yêu thương nhau. Tất cả đều có chung một Người Cha, và Người Cha yêu thương chúng ta như yêu thương Con Một duy nhất của Người.


Xuống núi “Còn các môn đệ thì nín thinh...”


          Lý do các môn đệ nín thinh vì theo thói quen riêng, tác giả phân biệt thời gian Đức Giêsu thi hành sứ mạng nơi dương thế với thời gian các môn đệ loan báo mầu nhiệm của Người. Ngày hôm nay chúng ta không phân biệt như thế bởi vì “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo... Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ... Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ... “ (Mc 16,15-18) ;
Vì thế sau thời gian lên núi bẳng những giờ phút cầu nguyện – gặp gỡ Chúa, biến đổi tâm trí, chúng ta quan niêm mới, mang ánh mắt nhìn mới về cuộc sống thân tình, hạnh phúc với Chúa, chúng ta cứ “um” lên làm cho bao người sốt ruột chỉ mong tới ngày được “lên núi” càng sớm càng tốt như chúng ta.
Chúng ta chẳng cho ai cái gì nếu chúng ta không có.
Tất cả những gì chúng ta đã “thấy” và đã “nghe” trên núi sẽ thôi thúc chúng ta đi vào trần đời hòa trong cuộc sống mọi người và hô vang trên mái nhà là Niềm Vui và Hạnh Phúc tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được.
“Nếu bạn bị chật chội trong xác thịt, hãy trương nở ra trong không gian của đức Yêu Thương” (Augustino).


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.