Bằng môi bằng miệng
Bằng môi
bằng miệng
Mc 7,1-13
Ô ! Xin được chia sẻ ngay.
Trước đây tôi rất “tiết kiệm” môi và miệng nên chẳng “thèm” khen ai bao giờ vì
sợ người ta sinh ra “kiêu ngạo”.
Thói thường, giỏi thì ít nhưng hễ được khen
thì lại cứ tưởng mình là trung tâm, là cái rốn của nhân loại thế là mang cái bộ
mặt vênh váo đi khắp đó đây. Nhất là những người lúc nào cũng tỏ ra vẻ “ta đây”
ở sẵn trong người, tính thích được người ta khen, cho dù biết là người ta phỉnh
mình thế mà vẫn cứ khoái chứ lị !
Sau này, tôi nhận ra là con
trai phải mau mồm mau miệng, giao tiếp, liên đới với mọi người mà lại cứ lầm lì
câm như hến thì chẳng ai thèm nói chuyện với mình.
Thế rồi bắt đầu tập khen. Bấm điện thoại, nghe
nhạc chờ, bên kia alô, là khen nhạc chờ hay quá nhỉ ! Thế là họ khoái rồi nói
chuyện rôm rả và nhờ việc gì thì họ cũng giúp, híc híc! Đúng là môi miệng đỡ
tay chân?
Sau này nữa, theo đời sống tâm
linh khuyên dạy phải biết nhìn cái tích cực nơi bản thân mỗi người. Thế mà nhìn
ra được cái tích cực, cái hay của người khác mà khen thì ôi thôi… tuyệt vời !
Đúng tâm lý thì tâm thần bay tới tận trời !
Hôm nay câu Lời Chúa nói
“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng” hay sống đạo mà chỉ có môi mép thôi thì
là kẻ đạo đức giả.
Người chiêm niệm là người có “cái tâm” hay
“cái lòng” ở trong thân xác, còn nếu nó ở xa thì cũng giống như phèng la trống
phách mà thôi.
Người kết hiệp mật thiết với Chúa là người có
“cái lòng”, “cái tâm” tập trung cao độ ngay khi khi “thức” cũng như khi “ngủ”,
có nghĩa là khi họ cố ý hay khi lãng quên nó vẫn nằm sẵn trong người; hoặc khi
khởi động lại là nó có ngay. (khó hiểu quá nhỉ?).
Hầu hết là chúng ta lo giữ cái
bên ngoài, tổ chức cái bên ngoài, đánh giá nhau theo cái bên ngoài… Lễ hội sầm
uất, kinh đọc rân ran, rước sách ầm ĩ, trống kèn vang rền, cờ quạt phất phới…
Lời kinh đọc ở trên môi trên miệng, đọc to,
đọc nhiều, đọc nhanh… “ăn bớt” lời, bớt chữ đến nỗi thành quen, nhìn bộ mặt vẫn
cứ ra vẻ hiên ngang hãnh diện vì có công có đức…
Chưa hết, lại còn lo nhìn qua bên cạnh để
trách cứ nhau, coi thường nhau… giọng gì mà đọc ngang phè, lè nhè như loa rách…
Người sống cái bên trong là
người ‘lòng chúng thì rất gần Ta’. Người sống cái bên trong là người luôn sống với Chúa, có Chúa
đang ở đấy nên lời kinh trở thành lời tâm sự, trở thành lời nói chuyện bởi họ biết họ đang nói với ai và nói
chuyện gì, tâm tình gì. Họ ý thức được khi dùng lời có sẵn đó đúng hay sai, hay
hay dở bởi có nhiều người đọc sai từ, sai chữ, sai đạo lý thế mà vẫn cứ gắng ra
mà đọc chỉ vì do thói quen, chẳng biết mình đọc gì.
Người quen sống cái bên trong
thì ít khi họ bận tâm đến những chuyện xì xầm bên ngoài, hình dáng bên ngoài,
tổ chức lễ hội bên ngoài, rước sách trống kèn đình đám bên ngoài, thói quen
truyền thống bên ngoài… Cái bên trong thì sống động hơn, sâu
lắng hơn, phong phú hơn, trong sáng
hơn… nhưng không vì thế mà họ coi thường khinh chê những sinh hoạt bên
ngoài…Cái bên ngoài, nó không phải là tất cả !
Tin Mừng hôm nay không phải để
cho tôi dựa hơi vào Đức Giêsu mà kết án phê phán các ông Pharisêu và một số
kinh sư ngày xưa cũng như ngày nay nhưng là để cùng với những bạn hữu của Chúa
tha thiết đón Chúa đi vào bên trong cuộc sống bản thân mỗi người. Một khi sống gắn bó mật thiết với Chúa thì Chúa sẽ cho biết cái gì là quan trọng cần
thiết và cái gì là phương tiện bên ngoài để sống tình nghĩa thiết với anh chị
em chung quanh cuộc sống. Vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng
tạo con người theo
hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Và…
“Thiên Chúa thấy mọi sự Người
đã làm ra quả là rất tốt đẹp ! Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày
thứ sáu”.
OTC
Leave a Comment