Xã hội Ki-tô giáo thời Trung Cổ… qua thư Roma

 


Xã hội Ki-tô giáo thời Trung Cổ… qua thư Roma

 

Xã hội Ki-tô giáo thời Trung Cổ

Một Hội Thánh hưởng thụ an lạc nơi trần gian, trong đó đức tin thường chỉ còn là những tập tục, những nghi lễ đã bị cắt đứt khỏi đức tin.

 Mà đức tin mới là giá trị chính yếu để được cứu độ.

Quả thật, xã hội Ki-tô giáo thời Trung Cổ là một đoàn dân có thể sánh với dân Ít-ra-en. Người ta sinh ra là Ki-tô hữu và nghĩ mình sẽ cứ như vậy cả đời.

Người ta tin Chúa, nhưng không khác gì những người tin các thần linh trong bất cứ nền văn hoá nào, và tưởng mình có thể tự cứu lấy mình bằng những nghi thức tôn giáo, bằng cách đi làm phước để lập công lên thiên đàng.

Vậy nhắc nhớ rằng đức tin là linh hồn của mọi cuộc hoán cải là một điều rất đỗi trọng đại, cũng như nhắc nhớ rằng hoán cải là đáp trả lời mời gọi nhưng không của Thiên Chúa.

Trong thư (Roma) này, chỉ có Đức Ki-tô Cứu Chúa, và như vậy đã đủ để phá giá toàn bộ guồng máy tôn giáo lúc bấy giờ, bị gò ép dưới những truyền thống và nghi thức sùng bái.

Đã có đức tin, mà người ta chỉ giảng về luân lý, hay nói đúng hơn, người ta chỉ đưa ra những danh mục luân lý.

Đã có Lời Chúa gửi đến cho mọi người, mà người ta chỉ đặt tin tưởng nơi các cha thầy.

Vậy đây là một cuộc phê bình tận căn về một Hội Thánh cuối cùng mải lo chiêm ngắm chính mình thay vì hướng nhìn về Thiên Chúa, một Hội Thánh mà toàn bộ hệ thống chính trị, tín lý có khuynh hướng trấn áp và khép lại mọi chân trời mới.

Tuy nhiên chúng ta đã cho biết lá thư này đâm rễ sâu vào cả một kinh nghiệm của thánh Phao-lô trong cương vị là người Do-thái và người Pha-ri-sêu, sau đó là người tông đồ được Chúa Ki-tô kêu gọi trực tiếp.

Chính khởi từ đó mà ngài nói về tội lỗi và ơn được nên công chính, về ơn gọi và ơn cứu độ nhờ đức tin.

Còn về phía mình, ông Lu-tê-rô và các người đương thời của ông thì đọc thư này khởi từ các vấn nạn của họ – phải nói : từ những lo âu của họ.

Họ là những người tiêu biểu cho một xã hội Ki-tô giáo đang thời khánh tận, một xã hội bị ám ảnh bởi viễn tượng tội lỗi và án phạt đời đời, nạn nhân của một thứ triết lý (duy danh), theo đó vạn vật không phải tự thân là tốt hay xấu, mà Thiên Chúa tuyên bố chúng như thế nào thì chúng như thế ấy.

Vậy tất cả những gì thánh Phao-lô nói về ơn tiền định dành cho dân Do-thái, thì họ đọc ra thành vấn đề tiền định dành cho cá nhân, có số phận lên thiên đàng hay xuống hoả ngục.

Thánh Phao-lô nói Thiên Chúa làm cho chúng ta nên công chính –lúc ấy từ này chưa mang một ý nghĩa rõ ràng– để cho hiểu rằng Thiên Chúa tái lập nơi chúng ta một trật tự vốn là trật tự thật của chúng ta.

Còn họ thì hiểu rằng nếu chúng ta tin, Thiên Chúa sẽ coi chúng ta là công chính mặc dù nơi chúng ta chẳng có gì thay đổi.

Các viễn tượng rộng lớn về một nhân loại ba chìm bảy nổi dưới tác động của tội lỗi và ân sủng, bất lực tự giải thoát chính mình, sẽ thu hẹp lại thành một vấn đề cá nhân : tôi thật sự tự do hay chỉ là một con cờ của ân sủng ?

Hiểu sát mặt chữ ngôn ngữ tượng hình của thánh Phao-lô, người ta sẽ dựng lên một giáo thuyết về tội nguyên thuỷ (tổ tông), theo đó tất cả chúng ta đều phải trả giá, cho đến đời đời, tội phạm của vị thuỷ tổ.

Nhiều thế hệ Tin Lành và Công Giáo sẽ mang dấu vết các tranh luận này. Dù là nói về ơn cứu độ duy nhờ đức tin, hay nhờ đức tin và việc làm, hay nhờ đức tin, việc làm và các bí tích, thì tình yêu Chúa Cha và Đức Ki-tô Cứu Chúa vẫn mãi ở hàng thứ yếu, đứng sau cái ám ảnh về ơn cứu độ : làm sao tôi có thể xoay xở được trong cái khung cứng ngắc này mà Thiên Chúa giam hãm tôi ? Vị Thiên Chúa công minh, truyền xuống những phán quyết khắt khe, kết án hoả ngục một cách dễ dàng, sẽ là một chấn thương tinh thần mà Phương Tây phải chịu, chuẩn bị cuộc nổi loạn là chủ nghĩa vô thần đấu tranh.

Ngày nay, hiểu biết điều ấy không phải là vô ích. Một khi đã thường xuyên tiếp xúc với thánh Phao-lô, và nhất là qua thư gửi tín hữu Rô-ma, thì có thể nhận thấy rằng, đối với ngài, Cha của Chúa Giê-su thật sự là một người cha, và Người được yêu mến muôn phần. Nơi ngài, người ta khám phá trăm ngàn chi tiết biểu lộ kinh nghiệm ngài hiệp thông liên lỉ và sống “trong” Thiên Chúa Ba Ngôi, một kinh nghiệm rất gần với kinh nghiệm của thánh Gio-an.

Điều đó không cản trở chúng ta tìm lại trong thư này chính cái mà ông Lu-tê-rô, sau thánh Âu-tinh, đã nhận thấy : một trình bày tài tình về mầu nhiệm loài người được Chúa Ki-tô cứu độ. Có lẽ vì đã phần nào lãng quên lá thư và giáo thuyết này mà người Công Giáo thường hay tự đóng khung trong các nghi thức và bí tích, mà xao lãng sứ vụ của mình.

Nguồn: Dẫn nhập thư gửi tín hữu Roma của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.  https://ktcgkpv.org/bible?version=3

 

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.